Phức tạp ngư trường biển Tây

Trên vùng biển Tây, các tàu cá tập trung đánh bắt ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản vì thế ngày càng cạn kiệt. Tại ngư trường này còn diễn ra tình trạng “xí phần”, dẫn đến nhiều cuộc tranh chấp “nảy lửa” xảy ra trên biển…
Phức tạp ngư trường biển Tây

Trên vùng biển Tây, các tàu cá tập trung đánh bắt ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản vì thế ngày càng cạn kiệt. Tại ngư trường này còn diễn ra tình trạng “xí phần”, dẫn đến nhiều cuộc tranh chấp “nảy lửa” xảy ra trên biển…

Trên vùng biển Tây hiện thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường

“Xí phần” trên biển

Nhiều chủ tàu đánh bắt trên vùng biển khu vực từ vàm Ba Tỉnh (huyện Trần Văn Thời) đến gần cửa biển Hương Mai (huyện U Minh), cách bờ biển khoảng 8 hải lý, than vãn vì nhiều nơi bị “xí phần”. Các chủ tàu cho biết, khu vực này có sản lượng cá, mực sống tập trung nên nhiều phương tiện vào đây khai thác, rồi “xí phần”, chiếm giữ quanh năm.

Tiếp xúc với chúng tôi sau chuyến đi biển, ông Phạm Văn Dũng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) than thở: “Chắc tôi bán tàu quá vì không còn ngư trường để khai thác, vùng biển có cá, mực đã có “chủ” hết rồi. Hồi trước tới giờ, tôi nghĩ biển mênh mông nên thoải mái đánh bắt, đâu ngờ bị tranh giành khốc liệt. Những người có nhiều ghe bắt tay nhau chiếm vùng biển rộng lớn, nên dù tàu này vô bờ thì vẫn có tàu khác “trấn giữ” nên các tàu khác không vào thả lưới được. Nguyên nhân “bất thành văn” trên biển là nếu tàu ai thả lưới trước thì tàu khác không được vào đánh bắt. Vì vậy, muốn vào thì phải “biết điều”, còn không thả lưới xuống sẽ bị cuốn hết”. Nhiều chủ tàu phản ánh, ông Lê Thanh Toàn (chủ tàu CM 91724) thường xuyên chiếm bãi vùng biển từ vàm Ba Tỉnh đến gần cửa biển Hương Mai khi ông Toàn thả xuống đây khoảng 30.000 con ốc mực và khai thác từ tháng 8 âm lịch đến tháng 6 âm lịch năm sau. Khu vực ông Toàn thả ốc cũng xảy ra tranh chấp với ông Huỳnh Quốc Nam (chủ tàu CM 91231) khai thác chồng lấn khu vực thả ốc của nhau.

Mới đây, làm việc với đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, ông Toàn thừa nhận các phương tiện muốn vào khai thác ở khu vực ông thả ốc phải có thỏa thuận riêng. Tùy tình hình thực tế phải “hỗ trợ”, 1 - 2 triệu đồng/đêm hoặc 50 - 100 lít dầu/đêm. Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, phương tiện của ông Toàn còn vi phạm khi hoạt động sai tuyến (khai thác gần bờ) và việc tự ý phân vùng trên biển để khai thác riêng là trái với quy định của pháp luật.

Theo các ngư dân, đỉnh điểm tranh chấp trên ngư trường biển Tây là cuộc đụng độ giữa nhóm ngư dân Kiên Giang và Cà Mau ở khu vực tọa độ 080 47’ 500’’ N - 104019’ 500’’ E (xảy ra vào tối 21-10-2015). Sự việc diễn ra khi phương tiện hành nghề khai thác ốc mực đang hoạt động tại tọa độ trên thì bị các ghe cào công suất lớn của Kiên Giang yêu cầu phải lấy ốc mực lên. Tuy nhiên, các chủ ghe hành nghề ốc mực không chịu thì các ghe cào chạy thẳng vào làm đứt dàn ốc mực đang thả. Trước tình hình này, các chủ tàu của Cà Mau huy động 9 chiếc, còn chủ tàu Kiên Giang huy động đến 20 chiếc để đâm, va lẫn nhau. Rất may sự việc được Đồn biên phòng Sông Đốc phát hiện kịp thời và điều tàu ra can thiệp nên tình hình mới ổn định. Theo báo cáo sơ bộ, vụ tranh chấp ngư trường này đã khiến 2 thuyền viên bị thương và nhiều ghe hư hại.

Chiều hướng tranh chấp gia tăng

Cà Mau có vùng biển rộng trên 80.00km2 và giàu tài nguyên thủy sản nên nghề khai thác phát triển rất mạnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 phương tiện với công suất từ 20CV trở lên hoạt động tập trung ở vùng biển Tây Nam mũi Cà Mau. Đây là vùng biển có nhiều loại thủy sản sinh sản theo mùa.

Theo Nghị định 33/2010 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động khai thác thì những phương tiện có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên chỉ được phép khai thác ở vùng biển khơi, cách bờ từ 24 hải lý trở ra; phương tiện có công suất máy 20 - 90 CV chỉ được phép khai thác trong vùng lộng, khoảng cách 12 - 24 hải lý.

Tuy quy định là thế nhưng thực tế có rất nhiều tàu vi phạm. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, thời gian qua tình hình các tàu đánh cá hoạt động sai vùng tuyến và tranh chấp ngư trường diễn ra khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các phương tiện cào công suất trên 90CV của nhiều tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre… cũng vào sâu trong vùng lộng và vùng biển ven bờ của tỉnh Cà Mau khai thác, dẫn đến va chạm, đâm chém nhau trên biển.

Trước tình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quâncho biết vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Cà Mau xử lý nghiêm các vụ tranh chấp ngư trường. Ông Quân cũng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền đến các tàu cá phải khai thác đúng ngư trường, khu vực quy định nhằm tránh xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của ngư dân.

Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 78 trường hợp, với tổng số tiền trên 919 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn với 43 phương tiện... Ngoài ra còn trực tiếp ngăn chặn, xử lý 8 vụ tranh chấp ngư trường, trong đó 3 vụ tranh chấp phức tạp, gây mất ổn định an ninh trật tự trên biển.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục