Phúc thẩm “đại án” ở Vinalines: Dương Chí Dũng xin tòa cho sống để giải oan!

Trưa 29- 4, phiên tòa phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời cuối cùng trước khi HĐXX tiến hành nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 7-5 tới.
Phúc thẩm “đại án” ở Vinalines: Dương Chí Dũng xin tòa cho sống để giải oan!

(SGGPO).- Trưa 29- 4, phiên tòa phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã kết thúc phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời cuối cùng trước khi HĐXX tiến hành nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 7-5 tới.

Phúc thẩm “đại án” ở Vinalines: Dương Chí Dũng xin tòa cho sống để giải oan! ảnh 1

Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa 

Trong lời nói cuối cùng của mình trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng tỏ ra khá mệt mỏi khi nói về những đóng góp của mình với Vinalines cũng như việc để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tại đây khi giữ chức Chủ tịch HĐQT của Vinalines. Đáng chú ý, trong lời nói cuối cùng của mình trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng lại xin được sống để được minh oan cho tội danh tham ô tài của mình. “Dù bản thân không nhận tiền tham ô nhưng nếu trong tình huống tòa buộc phải tuyên án, không làm thế nào được cũng xin cho bị cáo được sống. Bị cáo trông cậy vào tâm từ đức độ, sự công minh của HĐXX để không xảy ra tình trạng quýt làm cam chịu. Đây là món quà mà Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho bị cáo cho những thời gian, thành tích đã cống hiến của bị cáo để chứng kiến ngày mọi việc được làm rõ vì oan mà chết thì không nói với ai được" - Cựu Chủ tịch Vinalines bày tỏ.

Trong khi đó, cũng bị án tử hình vì tội tham ô tài sản trong phiên tòa sơ thẩm trước đó, bị cáo Mai Văn Phúc đã nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm tại Vinalines và đề nghị xem xét minh oan ở cả 2 tội là tham ô tài sản và cố ý làm trái. “Dù bản thân đã cố gắng hết sức, những sự việc tại Vinalines vẫn xảy ra vì khi bị cáo về mọi người đã sắp đặt hết cả, bị cáo chỉ làm theo trong guồng máy đó”-  bị cáo Phúc giải bày. Còn bị cáo Trần Hải Sơn thừa nhận những sai phạm của mình và mong muốn gia đình bị cáo sẽ giúp khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo Sơn cũng đề nghị HĐXX xét xử cho bị cáo một bản án đúng người, đúng tội cũng như các bị cáo khác trong vụ án này. Cũng bị xét xử về tội tham ô tài sản, bị cáo Trần Hữu Chiều đề nghị HĐXX xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho mình với tội tham ô tài sản vì theo bị cáo Chiều số tiền 340 triệu đồng là tiền vay của Trần Hải Sơn. Cùng với đó, bị cáo Trần Hữu Chiều cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm về tội cố ý làm trái.

Nhóm các bị cáo bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước, trong lời nói cuối cùng trước tòa cũng đề nghị xin được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý, 3 bị cáo là Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) đều đề nghị HĐXX nếu phán quyết ụ nổi không phải là tàu thì tuyên các bị cáo vô tội, nếu quyết định ụ nổi là tàu thì cũng xem xét mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.

Trước đó, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao giữ quyền công tố đưa ra quan điểm cho rằng, việc quay trở lại phần xét hỏi vừa qua chủ yếu tập trung vào vấn đề liên quan tới tài liệu mới tại phiên tòa và có nhiều vấn đề được hỏi lặp đi lặp lại, nội dung không khác trước đó. Đối với việc luật sư Trần Đình Triển xuất trình tại tòa vé máy bay của Dương Chí Dũng lúc 15 giờ ngày 6-7-2008 để đánh giá việc Sơn đưa tiền cho Dũng lúc 18 giờ ngày 6-7 tại khách sạn là chưa có cơ sở và Sơn gọi điện cho Dũng lúc ở trên máy bay là vô lý. Trước vấn đề này, đại diện VKSND tối cao cho rằng đã đưa ra các dữ liệu chính xác thể hiện trên giấy tờ, lên máy bay 15g chiều thì 18g cũng có thể về đến khách sạn. Đây chỉ là một tình tiết nhỏ, nếu không có các nguồn tài liệu đối chứng thì cũng không thể kết tội các bị cáo được. “Gần 7000 bút lục, không phải cái gì cũng dẫn ra tại phiên tòa hôm nay nhưng không có nghĩa là bỏ ra ngoài hồ sơ, không xem xét đến” - đại diện VKSND tối cao nêu rõ.

Về việc rút tiền của Trần Hải Sơn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra đã xác minh và ngân hàng xác định giao dịch của Trần Hải Sơn. Ngoài ra, trong phiên xét hỏi, HĐXX cũng như các luật sư đã tiếp tục hỏi Sơn, Khang, Dương... có trích đọc các lời khai tại cơ quan điều tra và các bị cáo đều thừa nhận nội dung đã khai. Qua đó đã nói lên vai trò chỉ đạo của bị cáo Dũng, Phúc đối với việc mua ụ nổi. Về kết quả tương trợ tư pháp mà HĐXX có nhận được từ phía Nga, đại diện VKSND tối cao cho rằng đã được thực hiện đúng theo trình tự pháp luật, không nhất thiết phải có thêm kết quả tương trợ tư pháp vì nó không ảnh hưởng gì đến kết luận của VKSND tối cao về hành vi tham ô của các bị cáo. Do đó, đại diện VKSND tối cao cho rằng, việc quay lại xét hỏi không làm thay đổi bản chất vụ án nên giữ nguyên quan điểm ban đầu đối với vụ án này. Hơn nữa, diễn biến suốt những ngày xét xử vừa qua thừa đủ căn cứ cho tòa án đánh giá, phán xét về hành vi, tội trạng của mỗi bị cáo.

Ngay sau khi đại diện VKSND tối cao bày tỏ quan điểm về vụ án này, trong phần tranh luận, nhiều luật sư đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung vì theo quan điểm của luật sư có nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chưa được chứng minh trong vụ án này.

NGUYỄN QUỐC

- Xét xử “đại án” ở Vinalines: Tạm dừng phiên tòa vì có tài liệu mới

Tin cùng chuyên mục