Phục vụ nông nghiệp sạch

Ngành nông nghiệp theo hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt… quan tâm áp dụng, một số nơi đã đạt được hiệu quả bước đầu trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sự phát triển này cần sự đầu tư và quan tâm nghiên cứu để phát triển công nghệ đảm bảo yêu cầu về năng suất và an toàn thực phẩm cho người dân.
Phục vụ nông nghiệp sạch

Ngành nông nghiệp theo hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt… quan tâm áp dụng, một số nơi đã đạt được hiệu quả bước đầu trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sự phát triển này cần sự đầu tư và quan tâm nghiên cứu để phát triển công nghệ đảm bảo yêu cầu về năng suất và an toàn thực phẩm cho người dân.

Xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Khoa học - Công nghệ (KH-CN, thuộc Sở KH-CN TPHCM), nông nghiệp hữu cơ (NNHC) hay nông nghiệp “sạch” là nhu cầu và xu hướng tất yếu đang dần chiếm ưu tế trong sản xuất nông nghiệp thế giới, cả về diện tích và mức độ đầu tư.

Thống kê cho thấy, trên thế giới có khoảng 170 quốc gia canh tác theo hướng NNHC; các quốc gia này được phân bố rộng khắp trên các châu lục với tổng diện tích lên tới 43,1 triệu hécta. Nếu tính trong giai đoạn 1999 - 2013, diện tích canh tác đã tăng lên gần 4 lần. Điều này cho thấy, con người ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm sạch, an toàn và đạo đức.

Tại Việt Nam, nền nông nghiệp hữu cơ được hình thành từ cuối những năm 1990, bước đầu đã hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, nhiều sản phẩm NNHC đã đến tay người tiêu dùng.

Diện tích đất NNHC ở Việt Nam cũng theo xu thế gia tăng, năm 2014 đạt 43,01 ngàn hécta, tăng 223% so với năm 2010; trong đó có 220ha trồng cây lương thực và 151ha trồng rau. Tuy nhiên, diện tích canh tác NNHC chỉ chiếm 0,4% đất nông nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nông nghiệp “sạch” của Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn.

Công nghệ trồng rau sạch được giới thiệu tại Techmart chuyên ngành nuôi trồng, chế biến thực phẩm an toàn tổ chức ngày 3 và 4-11 tại TPHCM

Đáng lo ngại, theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang phải trả giá về môi trường khi sử dụng quá nhiều hóa chất.

Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp thế giới (FAO), trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có tới 50% số thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng.

Cần công nghệ và tiếp thị công nghệ

Để đáp ứng cho xu hướng nông nghiệp “sạch”, từ thập niên 60 của thế kỷ trước, trên thế giới đã có những sáng chế về NNHC, đến nay có hơn 800 đơn đăng ký sáng chế.

Công nghệ phục vụ NNHC liên quan đến các kỹ thuật canh tác như trồng, nhân giống, làm đất, công cụ… được các nhà khoa học quan tâm nhiều. Tuy vậy, tại Việt Nam và một số nước đang phát triển khác, bên cạnh ý thức của người dân, công nghệ và cách tiếp thị công nghệ vẫn là những rào cản chính khiến nền nông nghiệp “chưa sạch” như mong đợi.

TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đánh giá trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển hướng trong tái cơ cấu ngành, nhưng xu hướng chi phối vẫn là “sản lượng chưa cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực, chất lượng thấp và giá trị gia tăng thấp”. Nhờ những đột phá mạnh trong ứng dụng khoa học kỹ thuật mà gần đây nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu lan tỏa. Tuy nhiên, việc cấp bách hiện nay là tìm kiếm những giải pháp mang tính lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, đặc biệt là thể hiện được vai trò của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cũng theo TS Đinh Minh Hiệp, đối với TPHCM, địa phương không có lợi thế về thời tiết như Đà Lạt, không có đất đai màu mỡ như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên nông nghiệp công nghệ cao của TP sẽ đi theo hướng phát triển giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đầu tư công nghệ thì việc tiếp thị công nghệ cũng hết sức quan trọng. Nhất là lấp đầy kiến thức KH-CN cho nông dân thông qua các chuyển giao tiến bộ KH-CN.

Thông qua các hoạt động, Sàn Giao dịch công nghệ (SGDCN, thuộc Sở KH-CN TPHCM) đã tiếp nhận 145 yêu cầu về công nghệ và thiết bị; đã xử lý, cung cấp thông tin cho hơn 80 doanh nghiệp có nhu cầu; kết nối tư vấn chuyên gia cho hơn 40 yêu cầu cần tìm hiểu sâu về ứng dụng công nghệ và đi đến ký kết thành công 7 hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị gần 8 tỷ đồng. Một số dự án chuyển giao tiêu biểu như dây chuyền thiết bị phân loại quả thanh long, thiết bị đóng thùng quả thanh long, nồi trộn gia nhiệt (kiểu nồi đứng), thiết bị sấy lạnh men vi sinh...

“Bằng chứng đó cho thấy, nhu cầu về công nghệ, thiết bị phục vụ nông nghiệp sạch đang được người dân, doanh nghiệp nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Và các SGDCN tại các địa phương cần đa dạng hoạt động, đa dạng công nghệ triển lãm để đáp ứng những đòi hỏi đó. Chỉ có ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp sạch mới có điều kiện phát triển và lan tỏa”, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận định.

Theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Sở KH-CN hiện đang thực hiện đề án SGDCN thử nghiệm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, SGDCN liên tục tổ chức các Chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên (Techmart Daily), Techmart chuyên ngành với mục tiêu đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao. Đáng mừng là SGDCN đã nhận được sự quan tâm tích cực của nhiều đối tượng, trong đó đa phần  là doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%), các nhà sáng chế, sáng tạo quần chúng (chiếm tỷ lệ 11%), các viện nghiên cứu, trường đại học (chiếm tỷ lệ 9%). 


GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục