Phượt trên sóng

Giữa vịnh Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có một làng nghề với cả ngàn hộ dân mưu sinh bằng nghề chở khách du lịch tham quan, lặn biển nhìn san hô. Đó là Hòn Tằm, nơi những người dân chuyên làm du lịch biển, quảng cáo nét đẹp độc đáo của biển đảo Việt Nam đến bầu bạn quốc tế.

Giữa vịnh Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có một làng nghề với cả ngàn hộ dân mưu sinh bằng nghề chở khách du lịch tham quan, lặn biển nhìn san hô. Đó là Hòn Tằm, nơi những người dân chuyên làm du lịch biển, quảng cáo nét đẹp độc đáo của biển đảo Việt Nam đến bầu bạn quốc tế.

Hòn Tằm nhìn từ vịnh Nha Trang

Dịch vụ phượt trên sóng

Từ vịnh Nha Trang đến Hòn Tằm, phóng tầm mắt về bên trái là nét đẹp hữu tình của hàng trăm mái nhà ngói đỏ, tôn xanh giữa bạt ngàn cây xanh của rừng. Dưới triền mép biển là hàng trăm tàu cá đậu san sát bên nhau, ông Đỗ Văn Quyết, chủ tàu chở khách, bảo: “Nhờ có nghề du lịch biển mà đời sống người dân Hòn Tằm được cải thiện nhiều. Hơn 20 năm trước, Hòn Tằm còn hoang sơ. Lúc đó, người dân sinh sống trên đảo ít lắm. Từ khi ngành du lịch phát triển, dân ở đây hái ra tiền. Tất cả mọi người đều làm nghề biển, trong đó có 1/3 làm du lịch, tức là sắm tàu thuyền chở khách du lịch từ cầu Bến Đá đến Hòn Tằm, hoặc đến các điểm du lịch khác mà khách yêu cầu”.

Sau 20 phút “lướt” trên vịnh Nha Trang, thuyền cập bến, ông Quyết đưa chúng tôi đến gia đình ông Đặng Văn Thái, người được dân Hòn Tằm coi là người “khai đảo, chuyển nghề”. Trong căn biệt thự khang trang, ông Thái cho biết: “Gia đình tui từ Quảng Trị vô đây sống hơn 20 năm rồi. Từ khi có chính sách phát triển du lịch, bà con trong làng nhà ai cũng làm ăn khá giả. Nhìn rứa thôi, làng ni có nhiều tỷ phú lắm đó”.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, đứng trên nóc sân thượng căn biệt thự, chỉ tay về phía biển ông Thái cho biết, Hòn Tằm hiện tại có hơn 800 hộ gia đình sống tập trung ở triền đảo, 100% làm nghề biển, trong đó có hơn 30% làm nghề dịch vụ chở khách tham quan du lịch đến các điểm đảo quanh vịnh Nha Trang. Người dân ở đây quen gọi là Làng Tằm (dân đảo Hòn Tằm). “Những năm 1990 của thế kỷ 20, Hòn Tằm hoang sơ lắm, hầu như không có người ở. Cả đảo chỉ hơn chục nóc nhà. Nói là nhà chứ thực ra là cái chòi dựng lên của những người đi biển. Cuộc sống lúc đó rất cực nhọc. Do dịch vụ du lịch biển chưa phát triển nên chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Trước ni, người dân sinh sống đến từ các tỉnh Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, chứ dân sở tại rất ít. Vì họ ở TP, đời sống sung túc, đến đây chi cho cực. Nhưng từ khi có du lịch, nhiều người dân ở TP Nha Trang cũng ra đây sống. Họ làm ăn khá giả”, ông Thái nói.

Một ngày mới của những người dân làng chài Hòn Tằm là hàng trăm tàu, thuyền đồng loạt ra vịnh Nha Trang. Những tàu, thuyền làm dịch vụ chở khách khẩn trương đến Bến Đá đón khách đi tham quan. Số tàu khác thì ra khơi đánh bắt cá. Một số chủ tàu “ăn nên làm ra” thì đưa khách đi phượt trên sóng. Anh Nguyễn Văn Hoài, 43 tuổi, chủ tàu dịch vụ chuyên chở khách đi tham quan, lặn biển trên vịnh Nha Trang, cho biết: “Tùy theo gói dịch vụ chở khách xa hay gần,  một ngày thông thường tôi làm 2 tour từ bến Cầu Đá ra đảo, hoặc cho khách đi thăm tất cả các đảo rồi chở về. Mỗi tour như vậy giá từ 3 - 5 triệu đồng, có khi cả chục triệu đồng. Chở khách đi phượt thì nhiều tiền hơn, còn khách đi tham quan đến một điểm cố định thì khoảng 1-2 triệu đồng/chuyến/hai lượt đi về. Trong khi khách nghỉ dưỡng, vui chơi ở điểm này thì mình lại chở lượt khách khác đi điểm khác. Xoay vòng liên tục. Ngày kiếm trên chục triệu đồng cũng là thường, chưa trừ chi phí”.

Ngày lặn biển, đêm lửa trại

Một trong những dịch vụ hái ra tiền của nhiều người dân Hòn Tằm là lặn biển xem san hô, xem cá bơi lội. Hơn 10 năm làm dịch vụ lặn biển cho khách du lịch, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lương đã chọn Hòn Tằm làm quê hương thứ hai của mình. Một ngày bắt đầu với anh Lương là đón khách từ Bến Đá (Nha Trang) chở vào đảo. Còn vợ anh - chị Dương Thị Lan cùng 6 nhân viên khác chuẩn bị phòng ốc, kính lặn, áo phao để khách lặn biển. “Vợ chồng em làm nghề này hơn chục năm rồi. Khách đến Nha Trang nhiều người muốn đến Hòn Tằm, Hòn Mun tắm biển và ngắm san hô. Ở đây nước rất trong, môi trường sạch tuyệt đối. Chỉ trên 100.000 đồng là có thể tắm, ngâm dưới biển nhiều giờ, ngắm cá, san hô tận đáy”, chị Lan nói.

Chị Lan cho biết thêm, tuy không có hang động như Hòn Mun, nhưng Hòn Tằm cũng không kém về dịch vụ du lịch. Nếu khách đến Hòn Mun chỉ lặn dưới biển xem cá, ngắm san hô, thì ngoài việc đó ra, Hòn Tằm còn có đa dạng dịch vụ như ăn uống, tham quan rừng nguyên sinh, hệ thống khách sạn, nhà hàng khá đẹp, tối có thể đốt lửa trại cho du khách vui chơi. “Tất cả dịch vụ ở Hòn Tằm đều có, giá cả hợp lý và không có chuyện chặt chém khách. Môi trường ở đây luôn bảo đảm sạch, an ninh, an toàn, vì vậy hàng năm có tới 300.000 lượt khách du lịch ghé thăm Hòn Tằm và có đến 4 câu lạc bộ bơi lặn đang hoạt động phục vụ cho hơn 15.000 khách du lịch mỗi năm”, chị Lan cho biết.

Bây giờ chưa phải vào mùa du lịch, song Hòn Tằm vẫn là địa điểm hút khách. Họ đến đây không những tắm biển, ngắm san hô, ngắm cá, thăm rừng nguyên sinh… mà còn tận mắt nhìn, tận tai nghe những người dân bản xứ kể chuyện làm giàu từ nghề biển. Đúng như lời ông Đặng Văn Thái: “Hòn Tằm cất cánh, giàu mạnh là nhờ biển, từ biển mà dân no ấm”.

TUẤN MẠNH

Tin cùng chuyên mục