Phút yên tĩnh sau chiến tranh

Cuối cùng, thời khắc lịch sử ấy cũng đã đến. Lúc bấy giờ, tôi đang công tác ở một bệnh viện dã chiến (đội phẫu thuật tiền phương phiên hiệu ĐT 124) đóng quân ở xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi. 
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng Ảnh: Tư liệu

Tối 29-4-1975, đơn vị tôi tiếp nhận khá nhiều thương binh từ mặt trận Đồng Dù. Đêm ấy, cả đội phẫu thuật hầu như không ngủ. Tất cả đều dồn sức chăm sóc thương binh. Đêm ấy súng vẫn nổ ở phía Sài Gòn.

Sáng ngày 30-4-1975, công việc của đơn vị vẫn hối hả, tất bật như ngày trước. Trời An Phú xanh trong, bảng lảng mây trôi, không thấy máy bay địch. Đất, trời yên tĩnh một cách bất thường. Cả đơn vị không một ai có radio, đành phải chạy tới nhà ông Chín Lo ở cuối xóm. Ông Chín Lo là “thổ công, thổ địa” của vùng này. Ông bám trụ ở đây từ năm 1965. Nhà ông có đài bán dẫn National chạy pin. Khi tôi đến nơi, ông Chín Lo hét lên: Giải phóng rồi, sống rồi, chiến thắng rồi!

Nhiều người dân bám trụ ở vùng Hố Bò, rạch Bà Tám tụ tập ở nhà Chín Lo. Một du kích lấy súng cạc-bin bắn chỉ thiên 3 phát. Tôi không có đồng hồ. Lúc ấy ước chừng gần 12 giờ ngày 30-4-1975. Thời gian trôi đi, tôi đã nghe nhiều tiếng súng, nhưng tiếng súng mừng chiến thắng ngày 30-4 ở An Phú luôn là tiếng súng đáng nhớ nhất…

Theo kế hoạch, đơn vị tôi còn trụ lại ở An Phú cho đến khi chuyển hết thương binh về Sài Gòn chữa trị. Ô tô chưa thể theo đường bộ vào tới An Phú nên việc đưa thương binh phải theo đường thủy, mỗi thuyền máy chỉ có thể chở được 5 cáng thương binh. Thuyền chạy theo sông Sài Gòn, qua Phú Hòa Đông đến cầu Bình Triệu. Qua lời mấy anh chạy thuyền máy, tôi biết chúng ta tiếp quản Sài Gòn gần như nguyên vẹn.

Không thể chờ được nữa, ngày 3-5, tôi xin phép chỉ huy đơn vị vào Sài Gòn tìm mấy người bạn dân chính bên T4 (mật danh cơ quan Khu Sài Gòn - Gia Định). Cấp trên cho phép tôi đi một ngày, còn dặn phải mang súng ngắn phòng thân. Trời chưa sáng rõ, tôi đạp xe từ đơn vị theo đường mòn đến Nhuận Đức, rồi dọc theo bờ sông Sài Gòn đến Phú Hòa Đông. Trên “xăng tuy nông” (loại thắt lưng chiến đấu), tôi mang theo dao găm, súng ngắn và cả một trái đạn da láng (loại lựu đạn đóng chốt) - đây là vật bất ly thân của lính vùng sâu để khi bị địch bắt thì sẵn sàng “rút chốt” chia đôi. Ở Phú Hòa Đông, không khí tưng bừng mừng chiến thắng tràn ngập khắp nơi. Tôi hỏi thăm đường về Sài Gòn, ai ai cũng nói: Sài Gòn rộng lắm, từ Hóc Môn tới trung tâm thành phố dài gần 30km, không có điểm cụ thể, rất khó chỉ dẫn. Cuối cùng, tôi phải hỏi nơi đến là Dinh Độc lập. Có nhiều lối đi từ Phú Hòa Đông đến Dinh Độc lập, tôi chọn lối đi chính, thẳng theo hướng tiến công của quân chủ lực. Từ Phú Hòa Đông, tôi đi ra quốc lộ 1 rồi chạy xe về ngã tư Bảy Hiền. 

         Sư đoàn 10 tiêu diệt căn cứ Đồng Dù.                        Ảnh: Tư liệu

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo khó. Lần đầu tiên trong đời đến một thành phố rộng lớn, hỏi đường mãi cũng thấy ngại, đành tự cắt hướng mà đi. Còn nhớ, cuối năm 1971, trong chuyến đi công tác về đơn vị mới, tôi đã bị lạc rừng. Phải mất hai đêm một ngày tôi mới tìm được một đơn vị kho của Hậu cần 83. Tôi tự cho mình có năng lực “cắt rừng” đúng hướng, không sợ bị lạc. Tôi đã nhầm. Nhà cửa đường sá ở thành phố không phải là những lối mòn, cây rừng, ụ mối. Thành phố không phải là rừng rậm. Năng lực “cắt rừng định hướng” chẳng giúp ích gì hết. Tôi bị lạc đường, đi lung tung, không biết tới những đâu. Dù vậy, tôi rất thích thú với “sự lạc đường” này. Người Sài Gòn tôi gặp đều tỏ ra thân thiện, cởi mở. Tôi mua 2 ổ bánh mì ở quán ven đường, chủ quán nhất quyết không lấy tiền. Khi tôi đang lúng túng hỏi đường, một thanh niên quần loe, tóc dài đi xe đạp tận tình đưa tôi từ Bến xe Chợ Lớn ra tới chợ Bến Thành. Dọc đường đi, anh ta tò mò hỏi tôi về chiếc xe đạp thồ “T52”. Tôi hào hứng kể cho anh ta nghe về “sức khỏe” của chiếc xe đạp này. “Khung sắt nguyên chất, được chèn thêm nạng gỗ căm xe, vành sống trâu, nan hoa thép inox, vỏ ruột cao su nguyên chất. Chiếc xe này có thể chuyển tải 500kg đi trên đường mòn trong rừng. Chở gì à? Chở súng đạn, gạo. Đôi khi cáng cả thương binh nữa. Khó tin lắm phải không? Vậy mà làm được tuốt. Tôi còn dạy anh ta cách “thắng bằng chân”. Xe chạy nhanh mấy, chỉ cần đạp vào bánh trước, xe quay ngang, dừng lại ngay tức thì. Anh ta định thử, tôi nói: Dép lê của ông không chịu nổi ma sát đâu. Chỉ có loại dép râu cao su thứ thiệt mới chịu nổi.

Đến chợ Bến Thành, tôi gặp một tiểu đội “quân cảnh” tuần tra. Họ yêu cầu tôi dừng xe lại để kiểm tra, tôi thực tình kể rõ mọi chuyện. Anh chàng tiểu đội trưởng quê Thanh Hóa vui vẻ mời tôi hút thuốc, thuốc ruby xanh “quân tiếp vụ”. Anh ta còn dẫn tôi đi vòng quanh chợ Bến Thành và bảo: “Vào chợ cũng được, nhưng phải để xe ở ngoài. Không sợ mất cắp đâu. Loại xe đạp này thuộc loại xe quân dụng, chẳng ai dám rớ tới”. Ngày hôm ấy, người mua bán trong chợ còn ít. Tôi không có tiền, vô chợ làm gì, nhìn sơ qua vậy là đủ rồi. Khi tôi chia tay tiểu đội quân cảnh, anh chàng tiểu đội trưởng tặng tôi gói ruby “quân tiếp vụ” với lời dặn: “Tình hình an toàn, không có gì hết. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận. Chỉ đi đường lớn, không nên đi đường hẻm. Gặp tuần tra cứ nói thẳng là đi chơi. Cùng lính tráng với nhau dễ cảm thông”.

Để không phí thời gian, tôi vừa đạp xe vừa gặm bánh mì. Khi khát, tôi lấy bi-đông nước ra uống. Theo hướng dẫn của nhóm tuần tra chợ Bến Thành, tôi biết hướng “nhà của tôi” ở phía Bắc, cầu Sài Gòn ở phía Đông, vùng Long An, Mỹ Tho ở phía Tây. Giữa trưa, nắng như đổ lửa, tôi vẫn thích đứng trên cầu Sài Gòn nhìn về phía thượng nguồn. Năm 1971, tôi đã gặp dòng sông này khi theo đơn vị Hậu cần 83 về bám trụ ở vùng rừng Bình Phước. Thượng nguồn sông Sài Gòn chỉ là một con suối. Mùa khô, nước trong vắt đầy sỏi đá màu gan gà. Mùa mưa, nước vàng sánh, chảy cuồn cuộn, rất nhiều cá lóc, cá trê. Rồi từ năm 1972 đến ngày giải phóng, tôi cùng đơn vị bám sát dòng sông Sài Gòn đoạn từ Thanh An đến Phú Hòa Đông. Dòng sông này trở nên thân thiết với tôi, giống như sông Đáy ở quê tôi vậy. Chiến tranh đã qua, giờ đây, tôi đã đứng trên cây cầu lịch sử ở điểm cuối của dòng sông. Tôi đứng lặng trên cầu, miên man cảm xúc cho tới khi một đội tuần tra quân cảnh phóng xe Jeep tới “hỏi chuyện”:

- Đồng chí làm gì ở đây?

- Đứng chơi thôi.

- Có giấy tờ gì không?

- Không, tôi đóng quân ở An Phú, xin phép đơn vị đi chơi trong ngày.

Lời thật dễ nói, cũng dễ thuyết phục. Nhóm tuần tra xe Jeep nhắc tôi không nên đứng lâu trên cầu rồi bỏ đi. Tôi tiếp tục đạp xe theo hướng Bắc trên đường về Hóc Môn. Mãi đến 5 giờ chiều tôi mới tới Thành Quan Năm, một căn cứ quân sự cũ của quân ngụy Sài Gòn đã được một đơn vị hậu cần tiếp quản. Ở đây, tình cờ tôi gặp một vài người bạn cũ đang đi bộ dạo chơi trên đường lộ. Họ kéo tôi vô một quán dọc đường nhậu bia “ba ba” (ba số 3). Chủ quán không lấy tiền chúng tôi, còn cho tôi một tô mì ăn lấy sức mà về.

6 giờ tối xong, tôi đạp xe như điên về Phú Hòa Đông rồi lại men theo sông Sài Gòn về đơn vị. Đêm về khuya, trời đổ mưa, tôi té lên, té xuống dọc đường. Đến Nhuận Đức, trời tạnh mưa, tôi mệt quá, trải ni lông nằm nghỉ sát mé sông, ngắm nhìn trời cao đầy sao sáng. Bao năm tháng qua đi và có lẽ suốt cuộc đời này, tôi không thể quên được cảm giác thanh thản, yên bình tràn ngập hạnh phúc của thời điểm đó. Chỉ có một mình tôi với một con sông, một bầu trời đầy sao và tiếng sóng vỗ, tiếng ếch nhái râm ran. Và tôi hiểu, hạnh phúc là phút giây do người khác mang lại, do chính mình tạo ra.

Tin cùng chuyên mục