Chân dung các danh hiệu Qủa Bóng Vàng năm 2006

Qủa Bóng Bạc Nguyễn Minh Phương

Qủa Bóng Bạc Nguyễn Minh Phương :Tài năng nở muộn, nhưng...

Sinh ngày 5-7-1980 tại Bình Long (Bình Phước)
Vị trí sở trường: Tiền vệ; Vị trí khác: Hậu vệ. Thuận chân phải.
CLB đã thi đấu: Cảng Sài Gòn (1995-2002); GĐT.LA (từ 2003 đến nay)
Số áo thi đấu tại CLB: 7; Số áo thi đấu tại ĐTQG: 12
Được khoác áo ĐTQG lần đầu tiên: Năm 2002

Chân dung các danh hiệu Qủa Bóng Vàng năm 2006 ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Tơ (bìa phải) - Phó Tổng Biên tập Báo SGGP trao giải thưởng cho Nguyễn Minh Phương (QBB) và Lê Tấn Tài (QBĐ).

Kể từ khi Trần Công Minh giã từ ĐTQG vào năm 2002, nhiều người đã tỏ ra lo lắng cho khoảng trống ở hành lang phải, bởi cái bóng mà chàng trai Đồng Tháp này để lại quá lớn. Nhưng chỉ 1 năm sau, khoảng trống trên phần nào làm người hâm mộ an tâm khi có sự xuất hiện của Nguyễn Minh Phương – cầu thủ gây tốn không ít giấy mực của báo giới ở thời điểm đó sau phi vụ chuyển nhượng từ Cảng Sài Gòn sang GĐT.LA.

Với con mắt tinh tường, ông Calisto đã đề nghị BLĐ GĐT.LA thực hiện cho được việc chuyển nhượng Nguyễn Minh Phương khi nắm thông tin anh có ý định rời CSG. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng, và phải đợi đến giờ chót GĐT.LA mới thắng được NHĐÁ trong phi vụ chuyển nhượng trên. Sau đó, Minh Phương đã nhanh chóng nổi bật trong thành phần GĐT.LA qua lối chơi dù đơn giản nhưng với thể lực tốt, dẻo dai, tốc độ và đặt biệt là những cú sút xa hiểm hóc đã tạo dấu ấn mạnh mẽ. Có tên trong đội hình ĐTQG tham dự Tiger Cup 2002 và anh đã cùng đồng đội đoạt HCĐ, đó là thành tích đầu tiên của anh trên đấu trường khu vực – lúc ấy Minh Phương đã 22 tuổi và trở thành cái tên không thể thiếu trong ĐTQG kể từ thời điểm ấy đến nay.

Ở đội hình GĐT.LA, Minh Phương hợp cùng Tài Em trở thành bộ đôi tiền vệ số 1 V-League và hai danh hiệu vô địch V-League liên tiếp vào các năm 2005-2006 đã có dấu ấn không nhỏ của tiền vệ điển trai này. Tài năng nở muộn, nhưng sự tiến triển về nghề nghiệp của anh ngày càng chắc chắn và đang là một thủ lĩnh trong đội hình ĐT.LA cũng như ở ĐTQG.

Với Minh Phương, danh hiệu Quả bóng Bạc 2006 đến với anh thật bất ngờ như phát biểu sau khi nhận giải: “Đây là một danh hiệu, một giải thưởng đầy bất ngờ nhưng thật hạnh phúc đối với tôi. Tôi còn sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa trong tương lai để hoàn thiện hơn, cũng như cố gắng... đổi màu từ Bạc sang Vàng trong thời gian tới”.

Qủa Bóng Đồng Lê Tấn Tài : Năm nay hay hơn năm trước

Sinh ngày 4-1-1984 tại Khánh Hòa.
Vị trí sở trường: Tiền vệ phải, thuận chân phải.
Số áo tại CLB Khatoco Khánh Hòa: 7;  Số áo thi đấu tại ĐTQG: 14
Lần đầu tiên khoác áo ĐTQG: 2004
Từng được gọi vào các đội tuyển: Olympic, ĐTQG

Các giải đấu cùng ĐTQG: SEA Games 23, Tiger Cup 2006, BV Cup, Capital Cup, Agribank Cup...
Được trui rèn trong tập thể trẻ tuổi cùng trang lứa ở Khánh Hòa kể từ khi đội bóng bị rớt hạng vào năm 2001, Tấn Tài đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành cầu thủ đầu tiên thi đấu ở giải hạng Nhì được gọi vào ĐTQG vào năm 2004. Đó cũng là cột mốc của sự thăng tiến trong nghề nghiệp của anh. Tấn Tài hiện là trụ cột và góp phần không nhỏ vào việc đưa K.Khánh Hòa thăng hạng V-League năm 2006, thủ lĩnh nơi hành lang phải của CLB K.Khánh Hòa cũng như ở đội tuyển quốc gia. Tốc độ, dẻo dai và lì đòn là điểm mạnh của hậu vệ trẻ này và luôn giúp anh tự tin mỗi khi được tung ra sân. Sự ổn định về phong độ của Tấn Tài ở mùa bóng 2006 trong đội hình ĐTQG cũng như CLB đã giúp anh lọt vào tốp 3 cầu thủ xuất sắc nhất trong năm cũng như bỏ xa điểm số so với người về kế là Phan Thanh Bình (124/53 điểm).

Sau khi nhận danh hiệu Quả bóng Đồng, Tấn Tài cho biết: “Thật bất ngờ và vinh dự khi được bầu chọn vào danh hiệu Quả bóng Đồng năm 2006. Tôi cảm thấy mình đoạt được danh hiệu lần này xứng đáng hơn lần trước, vì năm nay chơi hay hơn năm trước”.

HOÀNG GIANG

Qủa Bóng Bạc Đoàn Thị Kim Chi : Muốn nhận giải hoài thôi !

Sinh ngày 29-4-1979.
Cao 1m61, nặng 55 kg.
Sở thích: Xem phim, đọc báo.
Thành tích: Quả bóng Vàng 2004 và 2005; HCV SEA Games 2001, 2003, 2005; vô địch Đông Nam Á 2006, á quân 2004; VĐQG 2002, 2004, 2005.
Cầu thủ ưa thích: Raul, Zidane.
CLB đang thi đấu: TPHCM.

Chân dung các danh hiệu Qủa Bóng Vàng năm 2006 ảnh 2
Ba cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam năm 2006 (từ trái sang): Bùi Thị Tuyết Mai (QBĐ), Đào Thị Miện (QBV) và Đoàn Thị Kim Chi (QBB).

Với việc đoạt thêm Quả bóng Bạc năm nay, Kim Chi tiếp tục nâng cao kỷ lục giành giải nhiều nhất của nữ khi 2 lần giơ cao QBV và 1 lần QBB.

Trong bối cảnh đội TPHCM thi đấu sa sút, nhưng Kim Chi vẫn thể hiện được mình khi đoạt giải Vua phá lưới giải vô địch quốc gia. Là một trong số ít cầu thủ nữ có kỹ thuật cơ bản tốt nhất hiện nay, chơi nhiều vị trí như tiền vệ trung tâm, hộ công và tiền đạo cắm nên Kim Chi luôn được các HLV đánh giá cao và lựa chọn trong việc xây dựng chiến thuật của mình.

Trong một lần dẫn đội nữ Quận 1 đến Trung tâm HLTT Quốc gia 2 (Thủ Đức) thi đấu, HLV Ngọc Tuấn phát hiện cựu VĐV điền kinh của tỉnh Bến Tre. Kim Chi có tố chất nên nhã ý mời về với đội. Ai ngờ, từ một cô bé chỉ biết chạy, một thời gian ngắn được bổ sung cho mình kỹ thuật bóng đá đã trở thành một cầu thủ không thể thiếu trong đội tuyển quốc gia hiện nay.

Khi được hỏi có buồn khi năm nay, quả bóng bị… xuống màu hay không? Kim Chi bình thản: “Không có gì, quan trọng là em cố gắng tập luyện và thi đấu tốt hơn nữa để đóng góp cho CLB cũng như đội tuyển quốc gia. Quả bóng Vàng là phần thưởng vinh dự mà tất cả cầu thủ nào cũng muốn nhận, cho nên... nhận hoài cũng không sao (cười) “.

Qủa Bóng Đồng Bùi Tuyết Mai :Món quà năm tuổi
Sinh ngày 23-10-1983.
Cao 1m68, nặng 57 kg.
Sở thích: Nghe nhạc, xem phim, đi picnic.
Thành tích: HCV SEA Games 2005; vô địch Đông Nam Á 2006, á quân 2004; VĐQG 2001, 2003.
Cầu thủ ưa thích: Cristiano Ronaldo, Ronaldo.
CLB đang thi đấu: Hà Nội.

Bước vào năm tuổi Đinh Hợi, Tuyết Mai gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp bóng đá của mình. Được chú ý sau hai lần lập hattick trong vòng loại Olympic Bắc Kinh, đến nay, Tuyết Mai đã là chủ nhân của Quả bóng Đồng 2006.

Không chơi hoa mỹ như Kim Chi hay Văn Thị Thanh, nhưng Tuyết Mai là mẫu cầu thủ thực dụng và âm thầm trong những chiến công của đội nhà. Với thể hình to cao mà đồng đội đặt là Mai “béo”, cô chơi ở vị trí trung phong cắm và có khả năng di chuyển hợp lý gây rối loạn cho hàng phòng thủ đối phương, tạo khoảng trống cho đồng đội, nhất là khả năng che chắn bóng làm điểm tựa để các cầu thủ tuyến sau ghi bàn. Với những tiến bộ trong thời gian qua, hiện Tuyết Mai là tiền đạo chính cho đội tuyển quốc gia.

Nhìn con gái chơi thể thao thấy thích thích, thế là Tuyết Mai đã chọn cho mình môn bóng đá từ lúc 16 tuổi khi còn học ở Trường 10 tháng 10. Chơi bóng đá bằng nỗi đam mê nhưng Tuyết Mai đã 2 lần có ý định treo giày vì nghiệp bóng đá nữ không thể lo cho cuộc sống của mình. Cô đã quyết định đi học Đại học Bách khoa khoa Công nghệ thông tin để lấy cái nghề lo cho tương lai. Mặc dù vậy, với lời khuyên của thầy Vũ Bá Đông và gia đình, nhất là của người mẹ, Tuyết Mai đã thay đổi ý định để giành được thành quả như ngày hôm nay.

QUANG TRỰC 

Tin cùng chuyên mục