Muôn mặt thể thao

Ai bảo kéo co là dễ ?

Nghe đến chơi kéo co, hầu như ai cũng bảo: “Dễ ợt! Cứ nắm lấy dây rồi dụng lực mà kéo là được chứ gì?”. Nói thế, có nghĩa là chưa biết gì về... kéo co. Chuyện ấy cũng giống việc nhiều người nghe có đội tuyển kéo co Việt Nam đi tranh tài ở giải quốc tế đã phì cười, vì cho rằng cái môn thể thao “bình dân học vụ” này mà cũng rỗi hơi lập đội tuyển tranh tài quốc tế. Thế nhưng vào cuộc mới thấy, môn này nhìn vậy mà không phải vậy...

Nghề chơi đúng nghĩa công phu !

Ai bảo kéo co là dễ ? ảnh 1
Kéo co, môn thể thao dân dã được nhiều người yêu thích. ẢNH:Hoàng Hùng

Chứng kiến tận mắt các VĐV kéo co chuyên nghiệp tập luyện, mới thấy hết sự cực nhọc. Là một môn thể thao không cầu kỳ về địa điểm thi đấu, vì chơi trong nhà cũng được mà kéo ngoài sân cũng xong, nhưng cho dù chơi dưới bất kỳ hình thức nào, các VĐV cũng phải tuân thủ các bài tập khắc nghiệt về thể lực: chạy 3-7 km trong 10 phút, tập gánh tạ (1 đến 1 tiếng rưỡi đồng hồ), và gồng với dây – đây là bài “khó nuốt nhất”, ai khỏe nhất cũng chỉ trụ nổi 1 phút đồng hồ ở thế vận hết 10 thành công lực để đỏ mặt tía tai, phùng má lên kéo dây rồi bất ngờ… “tuột dốc không phanh”, hai cánh tay xụi lơ, bải hoải.

Giống như một con thuyền, đội hình được sắp xếp và phối hợp ăn ý sao cho nghiêng thì cả đội cùng nghiêng, chùng xuống thì cùng chùng, cấm không được kẻ thấp người cao. Chính vì vậy, vị trí số 8 (xếp cuối cùng) được coi là quan trọng nhất. Đây là vai trụ, như chiếc bánh lái sẵn sàng điều chỉnh đội hình trong suốt trận đấu.

Các vị trí số 1, 2 và 3 dành cho những VĐV có sức mạnh không thua kém mấy so với số 8, giúp đội hình giữ thế cân bằng ngay cả khi đối thủ vào trận với miếng tấn công chớp nhoáng. Nói thì lâu, nhưng một hiệp đấu dài nhất cũng chỉ đến 2 phút, nên tất cả mọi thành viên buộc phải tập trung cao độ, đến nhịp thở cũng phải tính cho đều nhau.

Luật chơi môn kéo co khá gắt gao: tay không được di chuyển khi kéo, không được ngồi lấy thế, không được dựa vào người đứng sau, không được tỳ tay vào đùi để ghì dây (động tác khóa), không chống tay xuống sân, VĐV số 8 không được quấn dây quanh lưng hay giẫm chân giữ dây…

Có một quy định bất thành văn trong môn kéo co: các VĐV khi thi đấu phải mặc áo dài tay. Đương nhiên, vì ống tay áo có thể hạn chế chấn thương da cánh tay của các VĐV. Chưa hết, đồ lót bên trong phải bó gọn (thường dùng đồ của môn vật) để giúp VĐV không bị xé cơ hông, vặn cơ ngực…

Trưởng bộ môn Taekwondo Q.1 (TPHCM) Lê Bá Phúc xòe lòng bàn tay còn lõm vết dây thừng như để minh chứng cho sự khắc nghiệt của môn thể thao tưởng như đơn giản này: “Tôi chơi Taekwondo quen rồi, dùng đòn chân là chính. Nên khi tập thêm kéo co, phải học lại toàn bộ động tác chân và tay. Khó nhưng thích thú vô cùng. Có khi ham tập, quên cả đau, khi nhìn lại lòng bàn tay mình tét hết, nhức cả tuần mới dứt”.

Sao không mang bao tay vào cho đỡ đau? Chúng tôi hỏi. “Ấy, cái đấy bị tính là phạm lỗi và bị loại khỏi cuộc đấu ngay lập tức”, các thành viên trong đội giải thích.

Một bước ra... Châu LỤC

Ai bảo kéo co là dễ ? ảnh 2
Trận đấu giữa đội tuyển kéo co Việt Nam và Singapore tại giải vô địch châu Á 2006. ẢNH: Bá Phúc

Môn kéo co chuyên nghiệp đến Việt Nam vào năm 2004, bắt đầu từ Chủ tịch Liên đoàn kéo co châu Á Wu Wen Ta (người Đài Loan) - bạn của Chủ tịch LĐBĐ TPHCM Trần Văn Tạo. Ban đầu, ông Wu chỉ muốn giới thiệu cách chơi cho Cung văn hóa Lao động và Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Thế nhưng vừa dứt chuyến thăm, ông nhận được lời đề nghị “chuyển giao công nghệ” lại cho Trung tâm TDTT Q.1 của Giám đốc Mai Bá Hùng. Sau đó, các chuyên gia đã sang tập huấn cấp tốc cho quận những kỹ thuật cơ bản của môn chơi tưởng dễ mà khó này.

Và có lẽ, ngay bản thân ông Wu cũng chẳng dám nghĩ một năm sau, môn thể thao xa lạ này lại trở thành mục tiêu đầu tư của những nhà làm thể thao Q.1 (TPHCM). Càng bất ngờ hơn khi tại giải kéo co TPHCM mở rộng đầu tiên diễn ra ở CLB TDTT Nguyễn Du năm 2005, có đến 70 đội (gần 1.000 người) tham dự, trong đó có 2 đội khách mời quốc tế là Hong Kong và Macau. Bất ngờ rồi thán phục, vị Chủ tịch Liên đoàn kéo co châu Á đã ngỏ lời mời Việt Nam dự giải vô địch kéo co châu Á lần 6-2006 tại Nhật và đài thọ hoàn toàn chi phí cho đội.
 
Ngày 12-5-2007 vừa qua, Việt Nam đã chính thức là thành viên thứ 17 của Liên đoàn kéo co châu Á.

...Đến“ĐỘI TUYỂN LIÊN HIỆP QUỐC”

Ban đầu, ông Mai Bá Hùng nghĩ cứ chọn VĐV nào cao to, lực lưỡng, càng nặng ký càng tốt, tập hợp lại là thành đội tuyển. Về sau, ông mới nhận ra, người to cao chưa chắc đã khéo léo, còn người mập mạp chưa hẳn đã mạnh mẽ… Thế là tiếp tục chạy đôn, chạy đáo tìm quân, rốt cuộc cũng chọn ra được 10 người từ các môn vật, cử tạ, thể hình và Taekwondo để lập thành đội ngũ. Mọi người gọi vui đây là “đội tuyển Liên hiệp quốc của những chàng Hercules”, bởi ai cũng to cao, tốt tướng và dồi dào sức khỏe.

“Sở dĩ chúng tôi chọn VĐV của các môn thể thao nói trên vì các em có sẵn nền tảng thể lực tốt. Vật có bộ tấn vững và đôi tay khéo léo, Taekwondo có đôi chân rắn chắc, còn cử tạ và thể hình rất mạnh ở đôi tay”, HLV Đoàn Công Tuấn lý giải. Tuy nhiên, đối tượng tập luyện cho đội lại không nhiều, thi thoảng “đội tuyển Liên hiệp quốc” này lại rủ rê các chiến sĩ cảnh sát cơ động, hay cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM để tranh tài.

Tháng 12-2006, nghĩa là chưa đầy 2 tháng tập luyện, đội tuyển kéo co TPHCM đã có chuyến xuất ngoại đầu tiên dự giải vô địch châu Á tại Nhật Bản. HLV Lê Bá Phúc kể lại hình ảnh khiến anh và cả đội rất xúc động: Hôm khai mạc giải, một cô bé học sinh Nhật Bản cầm tấm bảng ghi tên đội Việt Nam có lẽ do chờ lâu quá nên ngã quỵ xuống sân, nhưng ngay cả khi đã lả người đi, hai tay cô vẫn giữ chặt tấm bảng tên đứng thẳng, quyết không để ngã cùng mình.

Cả đội Việt Nam rất xúc động trước hình ảnh ấy và đã vào trận với tinh thần quyết tâm cao. Họ đã thắng Singapore (đội tuyển dùng toàn cảnh sát trại giam và cai ngục lực lưỡng) mà mấy ngày trước từng thắng họ, như một món quà tặng cô bé Nhật Bản đáng yêu ấy…

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục