Quá “bảo bọc” doanh nghiệp địa phương, đồng nghĩa với “cắt mất cánh” của họ

Bên lề Diễn đàn VBF giữa kỳ 2018, ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch VBF, đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi cởi mở xung quanh chủ đề của diễn đàn. Ông cho biết có 3 câu hỏi và kiến nghị muốn gửi đến người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. 
Ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch VBF
Ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch VBF
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chủ đề liên kết doanh nghiệp ngoại - nội từng được nêu tại VBF giữa kỳ 2017, lần này lại được nhắc lại, ông Tomaso Andreatta nhận định, để xây dựng được quan hệ hợp tác hiệu quả nhất, cần cả một quá trình dài. Vì thế, chủ đề này cần được xem xét một cách sâu sắc và nghiêm túc hơn nữa để tiếp tục giải quyết những tồn tại, những vướng mắc phát sinh mới.
“Chắc chắn chủ đề này sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nữa”, ông nói.
Với tư cách là một doanh nhân nước ngoài am hiểu thị trường Việt Nam, ông Tomaso Andreatta cho biết, hiện vẫn có một số yếu tố khách quan đang làm khó doanh nghiệp, ví dụ như những thủ tục hải quan rườm rà phức tạp, mức thuế cao, sự khác biệt trong quy định ở các địa phương…
Một vấn đề quan trọng khác là làm thế nào doanh nghiệp có thể tồn tại và thành công khi mà nền kinh tế thế giới có xu thế bảo hộ tăng cao. Khác với nhiều quốc gia, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, nên khi gặp phải những hàng rào bảo hộ sẽ rất dễ bị tổn thương, gây ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, so với những nền kinh tế đối tác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam có quy mô quá nhỏ để có tác động đáng kể trở lại đối với họ.

“Nếu chính phủ quá “bảo bọc” những doanh nghiệp địa phương, điều đó sẽ giống như cắt mất đôi cánh của họ, khiến những doanh nghiệp này không bao giờ có thể bay ra biển lớn, cạnh tranh và thành công trong môi trường quốc tế. Đây cũng chính là điểm nóng trong vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù nhiều người cho rằng bảo vệ doanh nghiệp địa phương là một cách hỗ trợ phát triển, nhưng thực ra đây chính là làm hại họ, khiến họ không thể đạt tới những tiêu chuẩn quốc tế. Tại sao những doanh nghiệp nước ngoài lại gặp khó khăn khi sử dụng chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp địa phương? Đó là bởi các sản phẩm chưa đủ tin cậy, khả năng tài chính còn yếu kém, kỹ năng quản lý còn non nớt”, Đồng Chủ tịch VBF thẳng thắn nhận xét.

Theo ông, các doanh nghiệp FDI lớn đòi hỏi sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường phải đạt đến chất lượng cao nhất, song hiện tại, nguyên vật liệu đầu vào mà doanh nghiệp địa phương cùng cấp không đáp ứng được yêu cầu mà họ cần.

“Bên cạnh đó là những hạn chế cố hữu của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định có liên quan đến công nghệ cao và sở hữu trí tuệ. Chúng tôi chưa yên tâm chuyển giao tài sản trí tuệ ở đây vì e ngại rằng nó sẽ không được bảo vệ, như vậy đầu tư sẽ rất mạo hiểm, như ném hàng tỷ USD qua cửa sổ vậy. Vậy nên chúng tôi rất cần cơ chế bảo vệ về tài sản trí tuệ, chúng tôi cần đưa được những nhân tài giỏi nhất sang đây để có thể chia sẻ phương thức sản xuất tốt nhất. Chính vì thế mà cho tới nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc liên tục thu hút vốn đầu tư, nhưng vẫn chưa có những công nghệ tối tân nhất. Tuy nhiên việc quá nhiều vốn đang được đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản cũng là một lo ngại”, ông Tomaso Andreatta khuyến cáo.

"Chúng tôi chưa yên tâm chuyển giao tài sản trí tuệ ở đây vì e ngại rằng nó sẽ không được bảo vệ, như vậy đầu tư sẽ rất mạo hiểm, như ném hàng tỷ USD qua cửa sổ vậy."

Được hỏi nếu có cơ hội đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông sẽ hỏi điều gì, ông Tomaso Andreatta đã nêu 3 vấn đề then chốt:

- Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra là: Thủ tướng có dự định gì để đảm bảo thương mại tự do ở Việt Nam, để Việt Nam có thể trở thành một ví dụ tiêu biểu về tự do thương mại trong một thế giới với xu thế bảo hộ tăng cao?

- Thứ hai, tôi sẽ đề nghị với Thủ tướng về việc tiếp tục nâng cao, cải thiện cơ chế tương tác giữa doanh nghiệp và nhà nước. Những nỗ lực chống tham nhũng và giảm thiểu tiêu cực trong quản lý hiện nay ở Việt Nam là rất tuyệt vời và cần được phát huy hơn nữa.

- Cuối cùng là những vấn đề về môi trường. Hàng loạt hội nghị quốc tế về môi trường đã được tổ chức trong đó rất nhiều ý kiến, đề xuất chi tiết được đưa ra. Tôi muốn biết Thủ tướng sẽ đưa vào thực hiện biện pháp nào đầu tiên, bước đi đầu tiên của Việt Nam là gì trong công cuộc làm sạch môi trường?

Tin cùng chuyên mục