Qua bến Ninh Kiều

Đời sông, đời người

Bến Ninh Kiều là niềm tự hào của người dân TP Cần Thơ. Hơn triệu du khách mỗi năm đến Cần Thơ, hầu hết đều dạo gót trên bến Ninh Kiều. Việc nhanh chóng ổn định trật tự mỹ quan tại đây là một yêu cầu rất bức xúc.

Đời sông, đời người

Chiếc ghe tam bản chòng chành khi bà Hai Nhọn cúi xuống kéo neo liệng lên mũi ghe. Đôi tay bà nổi những đường gân bám chặt đuôi mái chèo. Chiếc ghe tách bến Ninh Kiều một đoạn, bà mới giật dây nổ máy, hướng mũi ra giữa dòng sông Hậu. Sáng nay mát mẻ, nắng hửng sóng sánh mặt sông. “Mùa nước lên mà không mưa như vầy là ông trời thương dân chèo đò, khách sẽ đi nhiều…”, bà cười thật hiền. Nhà bà ngay xóm Chài ngang bến Ninh Kiều. Đã 65 tuổi, dáng người ốm quắt queo, da sạm đen nhưng dưới tay bà Hai Nhọn, chiếc ghe chạy êm ru, không hề giật cục khi “bắt cua” ngay đầu vàm, ra giữa sông lớn hay luồn dưới chân cầu Cần Thơ rồi vòng quanh cồn Ấu - xóm Chài…

Với hơn 2/3 số tuổi cầm chèo nên bao vui buồn nghề sông nước bà “biết ráo trọi”, nghe thật lý thú. Hồi nhỏ lênh đênh theo cha đi bán lu dọc ngang sông rạch miền Tây, vô tận vùng sâu. Thời chiến tranh phụ cha chèo đò đưa đón, nuôi chứa, tải thương “mấy ổng đằng mình”. Từ sau giải phóng tới giờ, bà Hai Nhọn bám trụ trên khúc sông này, đưa đón biết bao lượt du khách.

Xóm  Chài gốc gác toàn dân nghèo tứ xứ, chủ yếu sống bằng nghề hạ bạc. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, do nguồn cá cạn kiệt nên họ chuyển sang đưa đón khách du lịch tham quan sông nước. Hiện tại, dù đã giảm nhiều nhưng riêng xóm Chài đã có 60 - 70 chiếc ghe hoạt động trên bến Ninh Kiều. Ngã ba sông này đã giúp bà Hai Nhọn nuôi 3 đứa con lần lượt lớn khôn, nhưng “di sản” của nghề chèo đò “cặm cụi mom sông” hàng chục năm qua là cái dáng đứng khòm khòm, không còn thẳng nữa, cùng tiếng ho dài không dứt khi bà lên giọng. Lượng khách đi ghe bà Hai Nhọn có phần sụt giảm khi có cây cầu Cần Thơ và do tàu ghe ra vào bến ngày càng nhiều và tình trạng “lộn xộn” ở bến bãi.

Sóng ngầm bến sông

“Đã nhận đi với ai thì lên ghe người đó, chớ “bẻ chĩa” là có chuyện”, một chủ tàu lâu năm dặn dò. Khách đồng ý đi chợ nổi Cái Răng, sáng sớm đến rước thì thấy đi với tàu do khách sạn giới thiệu, rẻ hơn, thế là ra ngoài đường “dằn mặt” người ta tơi tả. Cứ tản bộ ra bến Ninh Kiều là được “mấy anh mấy chị” đội nón ngồi rải rác khắp công viên nhào ra chào mời đon đả “đi chợ nổi không? Ngồi ghe dạo cồn Ấu không? An toàn lại rẻ nữa”. Làm gì có chuyện vô vườn ăn trái cây vô tư? “Chiều chợ nổi tan rồi mà cũng “ca” để dụ khách đi lấy 400.000 đồng, mắc cỡ muốn chết”, một chủ tàu chia sẻ. “Cò” khắp nơi, nhan nhản. Có cò có tàu nhưng có loại “cò không tàu”, bắt khách dẫn mối cho chủ phương tiện để ăn chênh lệch. Hiện có 3 nhóm chuyên “bắt khách Tây”, bỏ cả triệu đồng/ ngày mướn người bám khách ngay khi họ còn ngồi trên ô tô về Cần Thơ, xộc vô tận khách sạn, bám theo khi khách tản bộ… Để đỡ “lộn xộn” họ tự chia nhau hoạt động theo tour, theo ngày bắt khách...

Việc tập trung các chủ phương tiện vào một đầu mối để quản lý là quyết tâm của ngành chức năng Cần Thơ. “Chấn chỉnh trật tự, an toàn là xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh cho bến Ninh Kiều. Đặc biệt khi Cần Thơ đang hướng đến kỷ niệm 10 năm (2004 - 2014) lên thành phố trực thuộc Trung ương”, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Văn Kết nhấn mạnh. Vì một bến Ninh Kiều thân thiện, an toàn; vì thương hiệu chung Cần Thơ là điều mong mỏi của mọi người dân nơi đây.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục