Quả bóng vàng Việt Nam - Thương hiệu được khẳng định

Hơn 20 năm tổ chức với 20 kỳ trao giải, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã trở thành thương hiệu của Báo SGGP trong quá trình phát triển của mình.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức từ năm 1995 đến nay, đã trở thành thương hiệu đặc trưng của bóng đá Việt Nam Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức từ năm 1995 đến nay, đã trở thành thương hiệu đặc trưng của bóng đá Việt Nam Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Còn nhớ cách đây 2 năm, thời điểm này là lúc mà Báo SGGP đang phải bận bịu công việc tổ chức chương trình giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, một trong rất nhiều chương trình xã hội của báo và có vị trí quan trọng trong sự phát triển bóng đá Việt Nam. 

Thông thường, phải qua Tết Nguyên đán việc tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng mới được triển khai. Có nhiều lý do khách quan khiến việc trao giải diễn ra tương đối muộn. Nhưng 3 kỳ trao giải gần nhất, bằng nỗ lực của mình, các nhà tổ chức đã đưa thời điểm công bố vào ngay những ngày đầu năm, phù hợp với thông lệ của các cuộc bình chọn trên thế giới trong lĩnh vực thể thao. Có được những thay đổi đó, không thể không nhắc đến sự “tiếp lửa” của ông bầu Fulsal Trần Anh Tú cùng thương hiệu Thái Sơn Nam của ông vốn sát cánh cùng bóng đá Việt trong thời gian dài vừa qua. 

Quả bóng vàng Việt Nam là giải thưởng do một đơn vị truyền thông, lại là cơ quan báo đảng sáng lập và tổ chức, đã nhận được sự chia sẻ rất lớn từ cộng đồng bóng đá. Nhớ những ngày đầu, ngay khi chương trình chỉ mới nằm ở ý tưởng sau chiến tích HCB của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 1995, thì giải thưởng đã nhận được sự chung tay từ những người tâm huyết như ông Trần Văn Nghĩa - một doanh nhân kiêm quản lý thể thao có tiếng tăm thời bấy giờ. Bằng mối quan hệ của mình, ông Nghĩa đã thuyết phục Tiger Beer tham gia, thậm chí đồng ý tài trợ đến 3 kỳ giải. Sau Tiger Beer, hàng loạt nhãn hiệu lớn khác như Pepsi, Exxon, Sơn Boss cũng xuất hiện trong bảng vàng tài trợ của giải thưởng...

Quý nhất vẫn là những lúc giải thưởng gặp khó khăn bởi hoàn cảnh khách quan. Ví dụ như năm 2005, sau scandal ở SEA Games, tưởng như giải thưởng không thể tiến hành. Đó là lần đầu tiên Báo SGGP quyết định tổ chức trao giải ngay trên sân bóng, nơi các cầu thủ nhận giải nhằm tiết giảm chi phí tối đa mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho người được bầu chọn. Vậy mà đi đến địa phương nào, các nhà tổ chức cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhà tài trợ tại chỗ, mỗi đơn vị một ít, rồi việc trao giải cũng suôn sẻ, trang trọng và đầy đủ ý nghĩa. 

Nhưng ý nghĩa nhất và cũng là điều mà ban tổ chức Báo SGGP tự xem là thành công nhất trong hơn 20 năm duy trì và phát triển giải thưởng Quả bóng vàng, đó là sự chia sẻ ngay từ những người đang sát cánh cùng bóng đá Việt Nam. Đó là sự động viên bằng tinh thần lẫn vật chất của Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam (VFF) khi nhận được đề nghị công nhận tính chính thức của giải thưởng trong hệ thống quản lý bóng đá Việt Nam. Đó là sự chung tay không chỉ ở yếu tố tài chính mà còn là sự sẻ chia trách nhiệm của Eximbank, thương hiệu tài trợ Quả bóng vàng suốt 3 năm song song cùng tài trợ V-League. Đó là Thái Sơn Nam và những nỗ lực của ông Trần Anh Tú khi cùng ban tổ chức giải thưởng hoàn thiện các hạng mục dành cho môn futsal và bóng đá nữ… 

Hơn 20 năm tổ chức với 20 kỳ trao giải, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã trở thành thương hiệu của Báo SGGP trong quá trình phát triển của mình, khẳng định được tầm vóc một cơ quan truyền thông trong việc đồng hành cùng các hoạt động xã hội. 

Tin cùng chuyên mục