Quận 1 nói gì về việc “dọn dẹp vỉa hè phải có kế hoạch được duyệt”?

UBND quận 1 cho rằng việc ra quy định mới, yêu cầu tổ kiểm tra liên ngành của quận chỉ được xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường nhằm nâng cao trách nhiệm của các phường. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng cấp trên làm thay việc của cấp dưới, không phát huy được vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.

Đoàn liên ngành của quận 1 trong một lần xử lý lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn. Ảnh: KIỀU PHONG
Đoàn liên ngành của quận 1 trong một lần xử lý lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn. Ảnh: KIỀU PHONG

Sáng 15-10, UBND quận 1 (TPHCM) có thông cáo báo chí về việc quận này vừa có quyết định xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường theo phương thức mới.

“Thông qua quyết định của tập thể thành viên UBND quận 1, Chủ tịch UBND quận đã ký quyết định trên nhằm tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực của bí thư, chủ tịch và trưởng công an các phường trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn phường”, thông cáo nêu rõ.

Trước đó, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành về trật tự đô thị và an toàn giao thông trên địa bàn quận.

Thành phần của tổ gồm đại diện lãnh đạo UBND quận 1 (tổ trưởng), đại diện lãnh đạo Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 (tổ phó). Các thành viên của tổ gồm có đại diện Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tư pháp, Văn phòng HĐND và UBND, Công an quận và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1.

Tổ kiểm tra liên ngành phải có phương án, kế hoạch kiểm tra cụ thể từ đề xuất của UBND 10 phường, của tổ kiểm tra công vụ và các địa điểm theo phản ánh của người dân và cơ quan báo chí.

Tổ này cũng sẽ hỗ trợ UBND các phường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự lòng lề đường, trật tự an toàn giao thông và cưỡng chế đối với các công trình, phương tiện hoặc các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực nêu trên.

Đặc biệt, phương án, kế hoạch của tổ liên ngành phải được Chủ tịch UBND quận 1 phê duyệt và tổ chỉ được kiểm tra khi Chủ tịch UBND quận 1 đã phê duyệt.

Quận 1 nói gì về việc “dọn dẹp vỉa hè phải có kế hoạch được duyệt”? ảnh 1 Trước đây, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 thường hay bất ngờ dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nhưng nay, đoàn liên ngành muốn đi kiểm tra phải có kế hoạch và phải được Chủ tịch UBND quận 1 phê duyệt. Ảnh: KIỀU PHONG

“Tổ kiểm tra liên ngành này sẽ được tổ chức theo từng thời điểm nhưng phải có kế hoạch, lộ trình để tạo sự đồng thuận, đồng bộ và hiệu quả lâu dài. Việc xử lý phải xác định công tác vận động, nhắc nhở là chính, chỉ xử lý những trường hợp cố tình vi phạm và quá trình xử lý phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật”, thông cáo của UBND quận 1 phát hành sáng 15-10 nêu rõ.

Trong thời gian qua, quận 1 đã có những kết quả tích cực trong công tác chấn chỉnh trật tự đô thị, được UBND TP đánh giá cao. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm nên UBND quận 1 lưu ý vai trò của 10 phường, khu phố, tổ dân phố, đặc biệt là người dân là yếu tố quyết định của công tác này.

UBND quận 1 cũng nhấn mạnh công tác chấn chỉnh trật tự đô thị trên địa bàn quận là nhiệm vụ yêu cầu tính bền vững, đồng bộ và sự chủ động của tất cả các đơn vị của quận và 10 phường. Trọng tâm là công tác vận động nhân dân, nâng cao ý thức của nhân dân tự giác chấp hành, giữ gìn mỹ quan đô thị, gắn với an sinh xã hội, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống của người dân.

Kiểm tra trách nhiệm của phường trong việc dọn dẹp vỉa hè

Cùng thời điểm ký quyết định lập tổ liên ngành, UBND quận 1 cũng có quyết định thành lập 2 tổ kiểm tra công vụ đối với công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.
Tổ 1 do ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận làm Tổ trưởng. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 làm Tổ phó.
Tổ 2 do 2 Phó Chủ tịch UBND quận là bà Nguyễn Thị Thu Hường và ông Lưu Trung Hòa lần lượt làm Tổ trưởng và Tổ phó.
Theo quyết định, 2 tổ công vụ này sẽ ghi nhận các hành vi tái chiếm vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn và kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo phường trong việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường.
Tổ công vụ phải thông tin đến UBND phường kết quả kiểm tra, khu vực cần giám sát. Các phường có trách nhiệm tiếp thu, chấn chỉnh những nội dung còn tồn đọng.
Ngoài ra, các thành viên của tổ kiểm tra công vụ được phép chủ động phân công cán bộ, công chức của đơn vị kiểm tra các nội dung và yêu cầu UBND phường tự chấn chỉnh các nội dung còn tồn đọng, trước khi tổ kiểm tra kiểm tra.

Tin cùng chuyên mục