Quận 9 còn hơn 40% tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước

Ngày 4-6, Trưởng Ban Văn Hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung cùng các sở ngành có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn quận 9.
Đại biểu chất vấn các dự án chống ngập trên địa bàn quận 9. Ảnh: QUỐC HÙNG
Đại biểu chất vấn các dự án chống ngập trên địa bàn quận 9. Ảnh: QUỐC HÙNG

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận 9, Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, trong những năm gần đây tình hình phát triển đô thị trên địa bàn quận diễn ra rất nhanh. Trên địa bàn có 350 tuyến đường, 940 tuyến hẻm; số tuyến đường có hệ thống thoát nước 208/350 tuyến đường chiếm tỷ lệ 59,4%, chưa có hệ thống thoát nước 142/350 tuyển đường chiếm tỷ lệ 40,6%; 76/940 tuyến hẻm có hệ thống thoát nước, chiếm tỷ lệ 8,1%, chưa có hệ thống thoát nước 864/940 tuyến, chiếm tỷ lệ 91,9%.

Trong giai đoạn 2016 đến nay, trên địa bàn xuất hiện 22 điểm ngập, trong đó có 11 điểm thường xuyên ngập trên 0,5m, 11 điểm ngập từ 0,2-0,4m, thời gian nước rút sau mưa trung bình từ 15-60 phút. Thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2018-2020, quận 9 chỉ có các công trình chống ngập do Trung tâm Điều hành chương trình chông ngập nước thành phố (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố) làm chủ đầu tư. Cụ thể, xây dựng hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Họp (từ Xa lộ Hà Nội đến đường Nguyễn Duy Trinh). Quận 9 đã giải quyết được 11/22 điểm ngập trên địa. Đối với 11 điểm ngập còn lại chưa khắc phục được do 7 điểm hiện đang chờ các công trình trọng điểm; 4 điểm bất lợi về địa hình tiếp tục vận động người dân phía hạ lưu hiến đất để triển khai thi công hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, hiệu quả hệ thống thoát nước đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc chưa cao, trong quá trình hoạt động chưa giải quyết được điểm ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân, thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn (trên l00mm) kết hợp triều cường dâng gây ngập cục bộ. Mặc khác, đường Đỗ Xuân Hợp có độ dốc lớn, cửa xả thoát ra rạch Trường Thọ và rạch Chiếc bố trí nằm ở hai đầu tuyến có cao độ thấp, khi mưa lớn, nước dồn nhanh về khu vực trước trụ sở UBND phường Phước Bình gây ngập. Bên cạnh đó, cửa xả tại sông Rạch Chiếc có cao độ quá thấp khi triều cường dâng cao khả năng thoát nước không kịp khi có mưa.

Hiện trên địa bàn quận có 62 công trình xây dựng hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thoát nước kết hợp nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Trong đó, công trình từ nguồn vốn ngân sách thành phố là 3 công trình, công trình từ nguồn vốn ngân sách quận là 59 công trình; đã hoàn thành 26/62 công trình, đạt tỷ lệ 41,9%; đang triển khai 16/62 công trình, đạt tỷ lệ 25,8%; đang chuẩn bị hồ sơ để triển khai thực hiện 20/62 công trình.

Để công tác chống ngập triển khai hiệu quả, UBND quận 9 kiến nghị Đoàn giám sát kiến nghị UBND TP, đối với các dự án chống ngập do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố làm chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt và giao vốn chuẩn bị đầu tư. Trong đó, ưu tiên các dự án cải tạo công trình thoát nước giảm ngập đường Lã Xuân Oai; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đường 8, phường Phước Bình. Đối với các dự án chỉnh trang đô thị kết hợp giải quyết thoát nước xem xét giải quyết thẩm định đơn giá bồi thường đất nông nghiệp dự án mở rộng đường Lê Văn Việt. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP sớm triển khai công tác nạo vét hệ thống thoát nước hiện hữu (bao gồm các tuyến rạch thoát nước) do Trung tâm quản lý trên địa bàn quận.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, nếu quận và các các sở, ngành không phối hợp đồng bộ khó giải quyết các vướng mắc; dự án đầu tư xong nhưng không giải quyết được ngập cần phải xem lại, những dự án triển trai trong năm nay còn khó khăn gì cần phải tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ; việc phân cấp quản lý kênh rạch cho quận quản lý đến nay như thế nào, có đảm bảo thoát nước không; chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng đảm bảo chưa? Quận và các đơn vị liên quan cần đánh giá lại các vấn đề liên quan đến việc xây dựng các dự án chống ngập. 

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Văn Hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh, với tình trạng ngập như hiện nay, nếu quận làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống cống cũng như khơi thông nạo vét các tuyến kênh rạch thì việc thoát nước sẽ tốt hơn. Tình trạng để lấn chiếm, san lấp kênh rạch trên địa bàn quận xảy ra ở nhiều nơi, đây cũng là nguyên nhân gây ngập. Vì vậy, đề nghị quận thời gian tới tập trung khơi thông dòng chảy kênh rạch.

Tin cùng chuyên mục