Quận Bình Tân: Tập trung đầu tư hạ tầng đô thị

Sau khi được tách ra từ huyện Bình Chánh vào cuối năm 2003, quận Bình Tân đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, trên 32%/năm, thu hút đầu tư bình quân gần 10.000 tỷ đồng/năm, thu ngân sách quận năm 2009 đạt gần 1.200 tỷ đồng và đứng thứ 5/24 quận – huyện thuộc TPHCM... Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Bình Tân lần thứ X, đồng chí Huỳnh Văn Chính, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết:
Quận Bình Tân: Tập trung đầu tư hạ tầng đô thị

Sau khi được tách ra từ huyện Bình Chánh vào cuối năm 2003, quận Bình Tân đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, trên 32%/năm, thu hút đầu tư bình quân gần 10.000 tỷ đồng/năm, thu ngân sách quận năm 2009 đạt gần 1.200 tỷ đồng và đứng thứ 5/24 quận – huyện thuộc TPHCM... Trước thềm Đại hội Đảng bộ quận Bình Tân lần thứ X, đồng chí Huỳnh Văn Chính, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết:

* Bình Tân có diện tích tự nhiên trên 5.188ha, được thành lập từ các xã Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa và thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh cũ. Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận đã đặt mục tiêu đưa kinh tế quận phát triển nhanh, bền vững để xây dựng Bình Tân trở thành quận phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, văn minh.

Bình Tân có những lợi thế: Đường giao thông kết nối với các tỉnh đi xuyên qua quận; còn hơn 2.100ha đất nông nghiệp phần lớn liền kề trục giao thông phục vụ quá trình đô thị hóa, là lợi thế to lớn cho quận thu hút đầu tư phát triển theo hướng văn minh đô thị; dân nhập cư đông, thanh niên chiếm 60%...

Từ những lợi thế đó, cùng với quyết tâm của Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, nhiệm kỳ qua kinh tế quận đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tăng bình quân hàng năm trên 32%, trong đó tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ tăng bình quân 40%/năm, các ngành công nghiệp tăng 30%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm đạt 52.051 đồng, vượt 3,21% chỉ tiêu đề ra.

Trước khi thành lập quận, vào năm 2003, thu ngân sách 3 xã và 1 thị trấn của huyện Bình Chánh cũ, được tách ra thành lập quận Bình Tân khoảng 83 tỷ đồng/năm thì đến năm 2008 thu ngân sách đã vượt con số hơn 1.000 tỷ, đến năm 2009 đã đạt 1.174 tỷ.

* Phóng viên:
Với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa quá nhanh trong khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa tương xứng, quận Bình Tân đã khắc phục vấn đề đó như thế nào?

* Đồng chí HUỲNH VĂN CHÍNH: Khi thành lập, ngoài lợi thế, quận còn gặp rất nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thiếu và yếu, môi trường bị ô nhiễm… Để khắc phục những yếu kém đó, nhiệm kỳ qua, quận Bình Tân đã tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Đến năm 2006, quận đã thực hiện xong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; năm 2007 hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000, phủ kín 100% diện tích đất tự nhiên.

Năm 2008, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành thương mại - dịch vụ, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước... Từ năm 2007 đến nay, quận đã phê duyệt 68 đồ án quy hoạch 1/500 dự án nhà ở và 11 dự án phê duyệt nhiệm vụ 1/500 với tổng diện tích hơn 1.000ha, chuyển đổi mục đích sử dụng đất được 586ha/2.100ha đất nông nghiệp thành đất đô thị.

Ngoài ra, quận chủ trương đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu trung tâm dân cư Tân Tạo và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương nhằm góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân. Dự án này có quy mô diện tích 498ha và đã bồi thường xong hơn 147ha.

Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, quận đã nâng cấp 52 tuyến đường chính; chỉnh trang 1.295 tuyến hẻm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tổng vốn đầu tư khoảng 665 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 527 tỷ đồng. Việc nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường hẻm đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo ra bước đột phá giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, thoát nước đô thị, xóa đói giảm nghèo…

Về hạ tầng xã hội, đã đầu tư xây dựng mới 20 trường công lập; nâng cấp, sửa chữa 28 trường. Năm 2008, quận đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở, 100% trạm y tế cấp phường đạt chuẩn quốc gia và đang xây dựng Bệnh viện Bình Tân với quy mô 200 giường hoàn thành vào năm 2011.

Với lợi thế là đầu mối giao thông đi các tỉnh miền Tây, quận Bình Tân đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Với lợi thế là đầu mối giao thông đi các tỉnh miền Tây, quận Bình Tân đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

* Theo đồng chí, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ quận Bình Tân cần tập trung vào những vấn đề gì?

* Mục tiêu phát triển quận mà Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu trong 5 năm tới là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 30%/năm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuyển dịch kinh tế sang các ngành dịch vụ, công nghiệp hiện đại, kỹ thuật cao, những ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ hỗ trợ sản xuất…

Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân khoảng 12.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 8%. Nguồn vốn đầu tư của ngân sách chủ yếu tập trung vào các chương trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án phát triển đô thị và phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, số vốn đầu tư còn lại sẽ tập trung phát triển về hạ tầng đô thị và đảm bảo an sinh xã hội.

Đến năm 2015 sẽ kết nối liên thông, giải quyết nút thắt cổ chai 30% tuyến đường, hẻm; hoàn thành chỉnh trang, nâng cấp 95% tuyến đường, hẻm; nâng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 98%; hoàn thành cơ bản việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Đảng bộ quận Bình Tân đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu phải tập trung triển khai thực hiện gồm: Tạo sự chuyển biến trong thực hiện quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị; tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập tạo bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; đầu tư mạnh hơn cho văn hóa - xã hội, trong đó chú ý cân đối vốn đầu tư cho giáo dục, khoa học, dạy nghề, văn hóa - thể dục, thể thao; nâng cao chất lượng sống cho người dân, chú trọng nhân tố con người và nhân tố cộng đồng; tập trung khai thác thế mạnh kinh tế của quận ngõ phía Tây Nam của TP, đồng thời đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn...  

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục