Quản chặt dòng tiền

Những năm qua, song song với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài (gọi tắt ĐTRNN) phát triển rất nhanh.

Để quản lý hoạt động ĐTRNN, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư 2005 và Chính phủ ban hành một số nghị định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, đối với Luật Đầu tư, sau hơn 8 năm triển khai đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đối với hoạt động ĐTRNN, Luật Đầu tư chưa quy định rõ phạm vi áp dụng của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động ĐTRNN. Các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước ĐTRNN chưa đầy đủ, dẫn đến khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) để xem xét thông qua trong thời gian tới. Theo dự thảo, đối với hoạt động ĐTRNN sẽ xem xét bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư và để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuẩn bị đầu tư ở nước ngoài, dự thảo luật bổ sung Điều 62 cho phép nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.

Về vấn đề này, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đề nghị xem xét lại việc DN Việt Nam ĐTRNN, nhất là vấn đề dòng vốn. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, băn khoăn, lâu nay chúng ta cứ nói các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có hoạt động chuyển giá, rửa tiền… Vậy đối với DN Việt Nam đầu tư ra các nước, chúng ta có đặt ra chuyện chuyển giá hay rửa tiền không? Còn TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay: Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tới đây sẽ được bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư thì các DN Việt Nam ĐTRNN lại rất cần giấy chứng nhận đầu tư vì đây là căn cứ để ngân hàng cho họ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế có DN sau khi chuyển được tiền ra nước ngoài, họ chẳng đầu tư gì mà chỉ giải quyết những việc riêng.

Để nhà đầu tư được thực hiện hoạt động ĐTRNN nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường, tăng năng lực xuất khẩu, thu ngoại tệ và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, Luật Đầu tư sửa đổi tới đây cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng. Tuy nhiên, để dòng vốn đầu tư trong nước đem ra nước ngoài đầu tư mang hiệu quả cần có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý dòng tiền trong nước mang ra nước ngoài. Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư thông qua nhiều định chế tài chính. Cần xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Cần có chế tài trong việc quản lý vốn, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục