Quan hệ đối tác “đặc biệt và đặc quyền”

Ngày 21-5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên đường tới Nga để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố cảng Sochi theo lời mời của chủ nhân điện Kremlin.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn: NDTV.COM
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn: NDTV.COM

Trong tuyên bố ngày 21-5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các ưu tiên phát triển quốc gia tương ứng và các vấn đề song phương. Trước thềm chuyến thăm Nga, trên trang mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Modi đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác “đặc biệt và đặc quyền” giữa Ấn Độ và Nga.

Tuy nhiên, các nguồn tin tiết lộ mục đích của cuộc gặp không chính thức lần này là tận dụng mối quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa hai nước để tạo ra sự hội tụ về những vấn đề toàn cầu và khu vực chủ chốt. Theo PTI, trong chuyến thăm không chính thức của ông Modi, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cấp bách hiện nay.

Những vấn đề được đưa ra thảo luận có thể bao gồm tác động kinh tế đối với Ấn Độ và Nga sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran, tình hình ở Afghanistan và Syria, mối đe dọa khủng bố, các vấn đề liên quan Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sắp tới và các hội nghị cấp cao của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Theo The Economist Times, khả năng tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga theo đạo luật có tên gọi “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) đối với hợp tác quốc phòng Ấn - Nga có thể được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp lần này. Hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận về việc mở rộng hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ-Nga sang các nước thứ 3, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho Hành lang vận tải Nam Bắc quốc tế và tình hình trên bán đảo Triều Tiên, những ưu tiên trong tương lai của Nga, chính sách đối ngoại, cách thức mà hai nước có thể cải thiện nền kinh tế và vị thế quốc tế của nhau.

Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Thủ tướng Ấn Độ Modi có chuyến công du đến Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương. Điều này cho thấy, Nga đang ráo riết tranh thủ phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia châu Á, nhất là Ấn Độ.

Mối quan hệ mua bán giữa Nga và Ấn Độ hiện đang tiến triển tốt bao gồm việc xây dựng các liên doanh phát triển công nghệ, ví dụ như đối với việc nghiên cứu phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Nga đang tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Kudankulam và cam kết xây dựng 6 nhà máy ở Kudankulam.

Ngoài năng lượng, vũ khí là một trong vài mặt hàng xuất khẩu có tính cạnh tranh quốc tế của Nga. Ấn Độ nhiều khả năng vẫn là một khách hàng quan trọng nhất của Nga. Việc tăng cường quan hệ giữa Nga với Ấn Độ, trong đó có hợp tác quốc phòng trong thời gian gần đây, cụ thể thông qua xuất khẩu vũ khí, đang làm châu Âu lo ngại vì có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của châu Âu chống lại Nga.

Tin cùng chuyên mục