Quản lý chặt chẽ quân trang

Các cơ quan bảo vệ pháp luật đang thụ lý vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Lê Xuân Giang cầm đầu tại Công ty cổ phần Liên Kết Việt. 

Trong các hoạt động quảng bá sản phẩm, tổ chức các chương trình trả hoa hồng, khen thưởng để kinh doanh bán hàng đa cấp, Lê Xuân Giang và các thành viên của công ty này thường mặc quân phục, riêng Giang gắn hàm đại tá, đồng thời mời một số tướng tá quân đội đã nghỉ hưu tham dự, nhằm tạo niềm tin cho khách hàng tưởng Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng. Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng phát triển mạng lưới kinh doanh hàng đa cấp đến 34 chi nhánh, văn phòng đại diện tại 27 tỉnh - thành. Công ty Liên Kết Việt đã gây thiệt hại cho gần 67.000 nhà đầu tư tại gần 50 tỉnh - thành với số tiền gần 2.100 tỷ đồng. 

Qua vụ lừa đảo, kinh doanh hàng đa cấp của Công ty cổ phần Liên Kết Việt, cho thấy thực trạng việc quản lý quân trang khá lơ là, lơi lỏng. Quân trang, quân dụng của ngành công an, quân đội được thiết kế, sản xuất, cấp phát, quản  lý theo quy định và thủ tục nghiêm ngặt. Nghị định 59/2006 quy định: Quân trang (bao gồm phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu và trang phục của quân đội, công an) là những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy, thế nhưng thực tế rất nhiều quân trang, quân dụng đang được bày bán công khai. Tại TPHCM, việc mua bán quân trang vẫn diễn ra tại chợ Dân Sinh. Ở ngã ba Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu hay ở đường Phạm Viết Chánh cũng thấy bán quân phục, giày sĩ quan, dây thắt lưng… Các cơ quan chức năng liên quan cần kiểm tra chấn chỉnh việc này. Những hành vi mặc quân phục, mang quân hàm giả danh sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo phải bị xử lý nghiêm để răn đe.

Tin cùng chuyên mục