Quan ngại việc hình thành “hòn đảo nhiệt độ”

Thời gian gần đây, TPHCM đã có những ngày nắng nóng kỷ lục lên đến hơn 40°C, thậm chí gần 50°C. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do các tia năng lượng bị giữ lại trên bề mặt và các hoạt động của con người (công trình, giao thông...). Hiện tượng này đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc quy hoạch và phát triển đô thị.
Quá trình đô thi hóa nhanh đã và đang tác động lớn đến sự thay đổi nhiệt độ ở TPHCM
Quá trình đô thi hóa nhanh đã và đang tác động lớn đến sự thay đổi nhiệt độ ở TPHCM

Nhiệt độ bề mặt tăng cao

Trong những năm gần đây, thời tiết có những diễn biến bất thường và có xu thế ngày càng cực đoan hơn, thể hiện qua những kỷ lục mới của số liệu quan trắc. Tác động của biến đổi khí hậu thể hiện rõ ở xu thế tăng của nhiệt độ bề mặt trái đất, tác động mạnh đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu, nhưng nguyên nhân trực tiếp và sâu xa là do hoạt động sống của con người làm gia tăng khí nhà kính, dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển.

Đối với những khu vực thành phố, quá trình đô thị hóa tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả. Với những khu vực đông dân, nhiều nhà cao tầng, mật độ cây xanh và diện tích ao hồ ngày càng giảm, lưu lượng giao thông lớn, luôn xảy ra ùn tắc như Hà Nội và TPHCM thì mức chênh lệch này còn lớn hơn nhiều. 

Chứng minh cho những thay đổi này, TS Dương Thị Thúy Nga, giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết thông qua phân tích ảnh viễn thám về các dạng thức tài nguyên (rừng, mặt nước, dân cư, thực vật, đất trống khu công nghiệp, đất có mặt nước chuyên dụng, mây…), cảnh báo đưa ra là đang có xu hướng tài nguyên cây xanh bị giảm nhanh, trong khi mật độ dân cư ngày càng gia tăng. Về hiện tượng đảo nhiệt đô thị tại TPHCM, TS Dương Thị Thúy Nga cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là các tác động về đô thị hóa khiến nhiệt độ bề mặt có diễn biến tăng cao. Nhưng, một lo ngại hơn là các biến đổi dẫn đến TPHCM đang hình thành các “hòn đảo nhiệt độ”, có nhiều thời điểm mức độ đảo nhiệt tăng hơn 50°C. 

Trong khi đó, thống kê của Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM) cũng cho thấy hiện nay tỷ lệ phủ xanh của TPHCM mới chỉ đạt 18%. Tỷ lệ đất công viên, vườn hoa của Việt Nam mới chỉ đạt 0,69m²/người. Khi đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, thảm thực vật bị mất đi và bề mặt đô thị được phủ bằng các con đường bê tông cùng các tòa nhà đồ sộ, cây xanh  giảm bóng râm và độ ẩm - những yếu tố quan trọng để giữ cho khu vực đô thị mát mẻ; hơi nước bốc lên ít hơn, góp phần làm tăng nhiệt độ bề mặt và không khí. Các vật liệu xây dựng (xi măng, đá, sắt thép, kính…) cũng phản xạ mặt trời, phát xạ nhiệt và công suất nhiệt khiến nhiệt độ tăng cao. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng vào mùa hè, tăng chi phí điều hòa không khí, gây ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính, gia tăng các ca bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt độ cao. 

Tăng cường mảng xanh 

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế những tác động tiêu cực từ hiện tượng đảo nhiệt đô thị, trồng nhiều cây xanh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, khi diện tích mặt đất ngày càng thu hẹp thì các đô thị buộc phải dùng nhiều giải pháp khác nhau bên cạnh việc trồng cây xanh.

Theo TS Dương Thị Thúy Nga, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định quy hoạch không gian xanh, quy hoạch đô thị có sự tham gia của các ban liên quan để đưa ra giải pháp hài hòa giữa các ngành nghề khi muốn phát triển đô thị thông minh. Một trong những giải pháp đối với vấn đề đảo nhiệt là xây dựng hệ thống giám sát nhiệt độ bề mặt, tích hợp quản lý dữ liệu, phân tích thông tin nhiệt độ đô thị tại thành phố. Các cơ quan chức năng và cả người dân có thể theo dõi, giám sát sự thay đổi nhiệt độ bề mặt toàn thành phố một cách trực quan, mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, đưa ra những quyết định kịp thời nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của rủi ro môi trường do biến đổi khí hậu gây ra, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sống. 

Cùng quan điểm này, Th.S Phạm Trần Hải, Phó trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, cũng cho rằng đối với các công trình xây dựng, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho việc tăng cường mái xanh. Bài học kinh nghiệm ở Singapore là chính phủ nước này đang hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, tối đa là 75 đô la Sing/m2 và 750 đô la Sing/m2 (tường xanh).

Ở Seoul (Hàn Quốc) cũng đang thực hiện triết lý “Nước - Năng lượng - Thực phẩm” của mái nhà xanh trong quy hoạch đô thị. “Mô hình mái nhà xanh giúp giảm nước mưa chảy tràn; giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và phát triển bền vững nông nghiệp đô thị. Th.S Phạm Trần Hải cũng kiến nghị, trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố tới đây, cần nghiên cứu quỹ đất dành cho mảng xanh đô thị. Chẳng hạn, cần tăng cường cây xanh đường phố để giảm nhiệt bề mặt của khu vực trung tâm đô thị.

Theo UBND TPHCM,  hiện nay thành phố có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao, các quỹ đất trống trên địa bàn hầu như không còn nhiều. Thành phố hiện có khoảng 13 triệu dân. Từ năm 1996 đến năm 2017, dân số tăng thêm 3,86 triệu người; những năm gần đây, bình quân 5 năm tăng thêm 1 triệu dân.

Trong khi đó, tốc độ triển khai thực hiện các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m²/người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố chỉ đạt mức bình quân là 1,6m²/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn), thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục