Quận Tân Bình: Lãng phí nếu xây hồ điều tiết nước Bàu Cát

(SGGPO).- Chiều 21-10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM cùng các sở, ngành liên quan đã giám sát về tiến độ thực hiện dự án xây dựng hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát.

Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo về tính khả thi về xây dựng hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát, đồng thời Trung tâm chống ngập đưa ra nhiều phương án thi công hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát như xây dựng hồ ngầm bằng bê tông cốt thép hoặc xây dựng bằng vật liệu nhựa rỗng dạng nông hoặc sâu. Dự kiến chiều dài của hồ khoảng 125m, rộng 32m, sâu 2,5m, có khả năng trữ 10.000 m³ nước mưa. Tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Hồ điều tiết có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu...

Tuy nhiên, quận Tân Bình cho rằng, thời gian qua, TP đã đầu tư xây dựng nâng cấp mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường như Đồng Đen, Phạm Phú Thứ, Hồng Lạc và dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, sau những trận mưa với tầng xuất lớn trong tháng 9 gây ngập nặng trên địa bàn TP nhưng trên địa bàn quận Tân Bình không ngập, không phát sinh điểm ngập mới. Ngoài ra, trong kế hoạch từ năm 2016 - 2020, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã có những dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường Ba Vân, Bàu Cát, Trương Công Định kết nối đồng bộ vào kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm góp phần thoát nước nhanh cho khu vực. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng hồ điều tiết Bàu Cát dung tích 10.000 m³ tại khu dân cư hiện hữu hoàn toàn không phù hợp, đồng thời chi phí ngầm hóa rất lớn nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay gây lãng phí. Nên ưu tiên nguồn kinh phí này để xây dựng ở những địa phương thường xuyên bị ngập.

Tại buổi giám sát, hầu hết các ý kiến của đoàn cho rằng, cần phải xem xét lại tính khả thi của dự án và nên ưu tiên xây dựng hồi điều tiết ở những nơi đang bị ngập.  

 Nối đường Võ Văn Kiệt vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Ngày 21-10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, UBND TP đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đoạn đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đoạn đường này dài khoảng 2,7km; bao gồm 2 đường và mỗi đường có 2 làn xe. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến 2017.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục