Quảng bá gây sốc, lợi bất cập hại

Câu chuyện nhà diễn thuyết kinh tế, tác giả cuốn sách Dám làm giàu rải tiền từ khinh khí cầu gây xôn xao dư luận những ngày qua. 

Câu chuyện này mở đầu vốn đơn giản là một hoạt động quảng bá sách, tác giả muốn gây ấn tượng mạnh nhằm tạo sự chú ý của bạn đọc đến với tác phẩm của mình.

Việc sử dụng khinh khí cầu để giới thiệu sách đã gây ấn tượng lớn, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cách giới thiệu sách như vậy. Tuy nhiên, tác giả đã đi xa hơn khi rải bao lì xì tiền từ khinh khí cầu xuống (với hàm ý gửi đến bạn đọc cơ hội làm giàu). Vì là tiết mục quảng cáo nên khâu tổ chức cũng mang tính chủ động như thuê diễn viên quần chúng, tổ chức khép kín, quay phim, dàn dựng chuyên nghiệp…

Thế nhưng, sự cố xảy ra khi những cơn gió đã thổi các bao lì xì bay ra ngoài đường phố và người dân đã xúm lại nhặt, gây phản ứng tiêu cực. Các thông tin, hình ảnh về vụ rải tiền tràn ngập các trang mạng xã hội và nhận nhiều lời phê phán. Kết cục, sau buổi quảng bá, một cuốn sách vốn được đánh giá là độc đáo, gần gũi với môi trường kinh doanh trong nước lại bị dè bỉu, chê bai vì hành động bị đánh giá là không phù hợp với văn hóa truyền thống.

Câu chuyện cho thấy việc làm văn hóa, đặc biệt là các hoạt động mang tính cộng đồng như quảng bá sách thật không dễ dàng. Đã có không ít những ví dụ về việc quảng bá gây sốc như: vụ ra mắt cuốn sách của diễn viên Lê Kiều Như với những cảnh phim có hình ảnh “nóng” của chính tác giả; vụ tự truyện của Lê Vân...

Trong bối cảnh ngành xuất bản ngày càng phát triển, sách cũng là một loại hàng hóa nên cũng cần quảng bá, giới thiệu. Thế nhưng, với vai trò là một loại hàng hóa đặc biệt, đòi hỏi việc giới thiệu sách cần có những nét văn hóa riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ đẹp hơn nhiều nếu thay vì tiền, tác giả thả thẻ tặng sách hay những tấm thiệp gửi gắm ý chí làm giàu mà sách chuyển tải. Thay vì chi hàng tỷ đồng mời các nhân vật nổi tiếng lăng xê cuốn sách, sẽ hay hơn nếu một phần số tiền này được dùng cho mục đích hỗ trợ những gia đình, mảnh đời khó khăn...

Trên thực tế, mục đích của các tác giả chủ yếu là làm sao để những ý tưởng, tư duy của mình đến được với nhiều người. Đó là lý do để họ thực hiện những hành động gây ấn tượng mạnh, thậm chí gây sốc. Thế nhưng, rõ ràng việc gây sốc mà thiếu đi yếu tố văn hóa đã tạo hiệu ứng ngược, thậm chí có khi còn ảnh hưởng đến cả đời sống cá nhân, công việc của chính các tác giả.

Tin cùng chuyên mục