Quảng Nam: Ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát

Sáng 10-1, gần 100 người dân thôn Giảng Hòa, xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam tiếp tục kéo ra bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua thôn phản đối doanh nghiệp khai thác cát. Đây là ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát.

Đông đảo người dân tụ tập phản đối doanh nghiệp khai thác cát trên sông 
 

Theo người dân trong thôn, việc khai thác cát đã diễn ra vài năm nay. Mỗi khi thấy ghe khai thác cát thì dân bơi ghe ra ngăn cản, thậm chí đã từng xảy ra xô xát.

Bà Phạm Thị Liên cho biết, việc khai thác cát rầm rộ nhất bắt đầu từ năm 2016. Lúc nào trên sông cũng có khoảng 10 chiếc ghe tải trọng lớn khai thác cát thường xuyên suốt ngày đêm. Dân bức xúc viết đơn kêu cứu khắp nơi nhưng không thấy ai can thiệp. “Mấy hôm nay bà con bỏ công ăn việc làm ra sông canh chừng ghe khai thác cát. Sáng nay phát hiện ghe tiếp túc đến hút cát trên sông nên đã huy động dân làng ra phản đối, yêu cầu ngưng hút cát”, bà Liên phản ánh.
 Quảng Nam: Ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát ảnh 2 Đây là ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát
Làng Giảng Hòa nằm ở bờ bắc sông Thu Bồn, có tổng diện tích khoảng 100 hecta với 216 hộ dân dân, 780 nhân khẩu. Trong cơn lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1964), nước đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà và tất cả tài sản người dân, gây sạt lở 65 ha đất làng. Từ sau ngày giải phóng đến nay, hàng năm người dân làng luôn tổ chức trồng tre, trồng bói… đặc biệt nghiêm cấm việc khai thác cát trên sông thuộc khu vực làng Giảng Hòa.

Năm 2014, UBND xã Đại Thắng họp dân bàn về việc khai thác cát sỏi vùng ven sông và lòng sông để khai thông dòng chảy, cách chân đất làng từ 200m trở lên để lấy nguồn kinh phí cho xã, cho thôn. Qua cuộc họp đại đa số người dân không đồng tình, chỉ vài người ký.

 Quảng Nam: Ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát ảnh 3 Người dân bức xúc vì tình trạng sạt lở ngày càng nặng do khai thác cát sát bờ
Theo ông Lê Ngọc Tịnh: "Một văn bản chỉ có vài người ký thì không thể nói dân đồng thuận việc khai thác cát sỏi. Chưa kể bây giờ ghe hút sát bờ làm đất sạt lở thì chúng tôi lấy đất đâu canh tác, sinh sống, ai sẽ chịu trách nhiệm”.

Trong đơn kiến nghị dừng cấp phép khai thác cát sỏi tại bãi làng Giảng Hòa gửi đến UBND tỉnh, UBND huyện Đại Lộc và UBND xã Đại Thắng mới đây, người dân làng Giảng Hòa cho rằng, suốt 3 năm qua các công ty đã tổ chức khai thác rầm rộ, đặc biệt là Công ty Tân Phước Yên và Công ty 276 đã khai thác lấn sâu vào sát chân đất làng, khiến mỗi năm đến mùa mưa lũ làng bị sạt lở vào sâu từ 15– 20m và kéo dài hàng km.  

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho rằng, với thẩm quyền của xã cũng chỉ giám sát việc doanh nghiệp khai thác có đúng tọa độ, vị trí quy định hay không, còn đánh giá tác động hay trữ lượng thì phải nhờ các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, quan điểm của xã là nên dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Thu Bồn đoạn qua thôn Giảng Hòa vì về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng xói lở vào bờ. “Xã sẽ làm văn bản đề nghị các cấp ngành cấp trên rút giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp đang thực hiện khai thác cát nơi đây”, ông Hải khẳng định.

 Quảng Nam: Ngày thứ tư liên tiếp người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát ảnh 4 Bà con bỏ công ăn việc làm ra sông canh chừng ghe khai thác cát
Trước đó, Quyết định số 2281/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 28-6-2016 về việc cho phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và thu hồi đất, cho thuê đất tại thôn Giảng Hòa. Nội dung cho phép Công ty TNHH MTV tư vấn 276 được khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên và thu hồi diện tích đất 2,51 ha, loại đất bằng chưa sử dụng do UBND xã Đại Thắng quản lý.

Trong đó, thời gian khai thác theo công suất thiết kế là 4 năm 10 tháng.

Quyết định cũng nêu rõ, trong quá trình khai thác cát, sỏi không để ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình của các tổ chức, cá nhân khác nằm lân cận khu vực khai thác của công ty (nếu có). Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời…

Tin cùng chuyên mục