Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6

Phát biểu bế mạc sáng 20-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. 

Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội XIV
Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội XIV

>> Toàn văn dự thảo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua

Đặc biệt, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra. GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.
“Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các tầng lớp nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và trong 3 năm qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, Quốc hội đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
“Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình không ngừng được tăng cường, không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri. Kết quả của kỳ họp tạo niềm tin về sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được; đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bế mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đúng vào ngày kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới các cô giáo, thầy giáo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất. Mong rằng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà.

Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6

Ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp với 95,26% đại biểu tán thành. 

Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 ảnh 2
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ. Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc bầu Chủ tịch nước và thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. 

Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và thông qua 2 nghị quyết về các nội dung nhân sự này.

Trong mảng công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 9 luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật, gồm Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này; xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019); mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). 

Đặc biệt, bên cạnh các nội dung theo thông lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan cũng đã được Quốc hội thông qua.

Bằng Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy tối đa vai trò quan trọng của Hiệp định đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng.

Chính phủ cũng được giao trách nhiệm triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Tin cùng chuyên mục