Quốc hội sẽ giám sát tối cao về việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị tại kỳ họp thứ 7 ​

Với 92,2% tổng số đại biểu tán thành chọn 2 chuyên đề để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao trong năm 2019. Chuyên đề 1 là về việc quản lý đất đai tại đô thị, sẽ thực hiện tại kỳ họp thứ 7, chuyên đề 2 là về công tác phòng cháy chữa cháy, sẽ thực hiện tại kỳ họp thứ 8 (kỳ họp cuối năm 2019).

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị tại kỳ họp thứ 7 ​
Sáng 12-6, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, về nội dung giám sát chuyên đề, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát.
Kết quả tính đến cuối buổi sáng ngày 7-6-2018, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được 442 ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó có 217/442 ý kiến (49%) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018”; có 356/442 ý kiến (80,5%) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018”.
Hai chuyên đề có số phiếu tán thành cao nhất đã được lựa chọn.
Bên cạnh đó, có 208/442 ý kiến (47%) tán thành giám sát chuyên đề 3 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018”.

Có 130/442 ý kiến (29,4%) tán thành giám sát chuyên đề 4 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018”.

"Cũng có ý kiến đề nghị giám sát một số lĩnh vực liên quan như: tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc giải quyết kiến nghị của cử tri; việc thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề liên quan đến bạo hành và xâm hại trẻ em; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát" – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.

Tuy nhiên, các nội dung này đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội quan tâm đưa vào chương trình giám sát trong năm, tiến hành giám sát thường xuyên hoặc tổ chức các phiên giải trình; có những nội dung được Chính phủ báo cáo và được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại đối với các nội dung đã được giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Về ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, tại Điều 47 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định cụ thể các hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội. Thực tế thời gian qua, các đại biểu Quốc hội đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động giám sát được quy định tại Điều này. Mặt khác, điều kiện hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội là khác nhau; trong bối cảnh hiện nay, việc Quốc hội giao chỉ tiêu giám sát cho các đại biểu là khó khả thi nên đề nghị chưa quy định cụ thể về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục