Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 ​

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Chiều 13-7, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 25, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh các nội dung theo thông lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành trọn 1 ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 20,75 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22-10-2018 (do ngày 20-10 là ngày thứ bảy) và bế mạc vào ngày 19-11-2018.

Tổng Thư ký đề xuất Quốc hội dành 10,25 ngày làm việc cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được dành 9,5 ngày.

Đáng lưu ý, bên cạnh các nội dung theo thông lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1 ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Nhận định rằng tại kỳ họp này có một số dự án luật quan trọng, được nhân dân đặc biệt quan tâm như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)..., Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9-2018 (dự kiến từ ngày 5 đến 7-9-2018) để có cơ sở hoàn thiện các dự án luật này trước khi trình Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục