Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL

Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ tăng cường giám sát việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL để góp phần đưa nghị quyết này vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại quận Ninh Kiều

Ngày 18-6, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV tại huyện Phong Điền và quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Tại các điểm tiếp xúc, các cử tri được nghe báo cáo tóm tắt kết quả làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XVI. Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội vừa xem xét thông qua 7 luật, 10 nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật.

Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL ảnh 2 Cử tri TP Cần Thơ nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Tại các buổi làm việc, đông đảo cử tri TP Cần Thơ đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm như: cải cách giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao; đầu tư hạ tầng giao thông BOT bộc lộ nhiều bất cập; giá điện được tính theo thang bậc như hiện nay vẫn chưa hợp lý; tội phạm ma túy đang diễn ra phức tạp cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả; cần công khai số tài sản tham nhũng thu được...

Đặc biệt, cử tri bày tỏ lo lắng trước thực trạng tài nguyên nước tại ĐBSCL hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, cử tri cho rằng tài nguyên nước mặt đang bị ô nhiễm nặng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau; nguồn nước ngầm bị khai thác một cách bừa bãi, mất kiểm soát; tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán vẫn đang diễn ra phức tạp; an ninh nguồn nước bị đe dọa... Cử tri cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu”.

Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ý kiến của cử tri TP Cần Thơ

Trả lời ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự đồng tình với phản ánh của bà con cử tri. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguồn nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực ĐBSCL, đây là yếu tố tác động trực tiếp đến 20 triệu dân trong vùng. Theo đó, thời gian tới Quốc hội sẽ cho rà soát lại việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến Luật Tài nguyên nước mà trước đó Quốc hội khóa XIII đã thông qua. Từ đó, sẽ đánh giá lại các điểm còn bất cập, hạn chế, nếu cần thiết sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau khi đánh giá lại kết quả 2 năm thực hiện, trong đó có đánh giá về nguồn lực nhà nước đầu tư cho vùng ĐBSCL, Chính phủ sẽ có những giải pháp hiệu quả hơn, tích cực hơn để thúc đẩy việc thực hiện nghị quyết này. Còn về phía Quốc hội, sẽ tăng cường giám sát việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 120, góp phần đưa nghị quyết này vào cuộc sống.

Ngày 18-6, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội, và các ĐBQH đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Mê Linh, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tại đây, cử tri đã thẳng thắn phản ánh những vấn đề bức xúc tại địa phương chưa được xem xét giải quyết. Trong đó nổi cộm là dự án công viên nghĩa trang Thanh Tước (ở xã Thanh Lâm) đang làm mất đi vẻ đẹp tâm linh và gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Qua nhiều năm, dự án này không nhận được sự đồng thuận từ người dân nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai. Do đó, kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội cho dừng dự án trên.

Nhiều cử tri cũng đề cập đến việc tuyến đê tả sông Hồng đi qua huyện Mê Linh đang bị xuống cấp, nhiều đoạn sụt, lún gây nguy hiểm cho người đi đường. Đây là tuyến đê vừa có vai trò quan trọng trong phòng, chống lũ vừa là tuyến đường giao thông kết nối các xã ven sông với trung tâm huyện nhưng hiện mặt đê nhỏ không bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân.

Đồng chí Hoàng Trung Hải đã đề nghị các cấp liên quan, chính quyền địa phương mở thêm các cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dự án công viên nghĩa trang Thanh Tước. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND huyện Mê Linh theo dõi, giám sát để chủ đầu tư thực hiện dự án tại khu vực nghĩa trang Thanh Tước bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

* Ngày 18-6, tổ ĐBQH đơn vị số 1, gồm các đại biểu: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Thạnh, đã có buổi tiếp xúc với hơn 300 cử tri trên địa bàn quận 1.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Lưu Quang cảm kích và đánh giá cao các kiến nghị của cử tri. Đối với vấn nạn tham nhũng, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng chưa bao giờ, chưa nhiệm kỳ nào, công tác chống tham nhũng được đặt ra, thực hiện quyết liệt và thu được nhiều kết quả như hiện nay. Riêng tại TPHCM, Quy định 1374 của Thành ủy TPHCM (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước) đã tiếp nhận, phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng xảy ra trên địa bàn.

Qua đó, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết tới đây, công cuộc chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để người dân có niềm tin trong nhiệm kỳ đại hội tới và chọn ra những cán bộ thực sự có tài, đức.

KHÁNH NGUYỄN - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục