Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Ngày 22-11, với 83,1% số ĐB phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Dự án có tổng chiều dài 654 km với dự kiến mức đầu tư 118.000 tỷ đồng.
Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác. Ảnh: TTXVN
Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác. Ảnh: TTXVN

Nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Nghị quyết cũng giao Chính phủ triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý dự án; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo số 197/BC-UBTVQH14 ngày 23-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình, nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của nhà nước.

*Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hiện nay do những hạn chế trong quy định nội hàm về bảo vệ bí mật nhà nước, dẫn đến thực trạng chậm công khai, công khai còn hình thức và lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, có địa phương còn đóng dấu mật cả vào biên bản chất vấn của ĐB khiến cho ĐB không thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân.

ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định), thời gian qua, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã sử dụng những thuật ngữ chung chung, thiếu định tính như là "có nội dung quan trọng", "gây nguy hại" dẫn đến những các hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại tiếp tục sử dụng những thuật ngữ như trên trong phần khái niệm bí mật nhà nước. Dự thảo luật chưa thể hiện được quan điểm của Chính phủ trong chỉ đạo xây dựng luật và khắc phục những hạn chế, bất cập của hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Còn theo ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), phân loại bí mật nhà nước là cơ sở quan trọng để nhà nước, các bộ, ngành địa phương ban hành danh mục bí mật nhà nước theo quy định. Tuy nhiên dự thảo chưa có quy định, tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định danh mục bí mật nhà nước.

Giải trình thêm với các ĐB, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh - quốc phòng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tiếp thu ý kiến các ĐB, dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện về tên gọi, bố cục của dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi.

Tin cùng chuyên mục