Quỹ Dariu-Điểm tựa của người nghèo

Sau 7 năm có mặt tại Việt Nam, Quỹ Dariu thuộc tổ chức phi chính phủ (Thụy Sĩ) đang cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho trên 12.000 hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là các vùng nông thôn.
Quỹ Dariu-Điểm tựa của người nghèo

Sau 7 năm có mặt tại Việt Nam, Quỹ Dariu thuộc tổ chức phi chính phủ (Thụy Sĩ) đang cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho trên 12.000 hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Từ 500.000 đồng...

24 năm nay, chị Đặng Thị Thanh Mai (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) tiếp nối nghề làm chổi truyền thống của gia đình. Song do thiếu vốn nên sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công, hàng hóa làm ra chỉ đem bán tại các chợ quê, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, đã có lúc chị nghĩ đến chuyện bỏ nghề…

Năm 2005, hội phụ nữ ấp giới thiệu chị Mai đến với Quỹ Dariu và chị được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu 500.000 đồng để đầu tư cải thiện quy mô sản xuất. Vốn ít nên để giảm bớt chi phí, chị Mai đã tìm tận nguồn cung cấp nguyên liệu bông chít để mua trực tiếp mà không thông qua các khâu trung gian. Bên cạnh đó, chị đã luôn quan tâm đến việc trao đổi, thăm dò ý kiến của khách hàng trong mỗi lần giao nhận hàng để rút kinh nghiệm cho sản phẩm ngày càng tốt hơn. Rồi mối đặt hàng từ nhiều địa phương và các tỉnh, thành tìm đến với chị ngày càng đông. Được vay quay vòng vốn của Quỹ Dariu từ 500.000 đồng tăng dần lên 30 triệu đồng, chị Mai tập trung đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và địa bàn bán hàng.

Chị Đặng Thị Thanh Mai (bìa trái) đang bó chổi.

Chị Đặng Thị Thanh Mai (bìa trái) đang bó chổi.

Hiện nay, cơ sở chị đã thu nhận 15 lao động nghèo làm việc thường xuyên và 30 lao động làm việc bán thời vụ với mức thu nhập 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. “Cứ 2 ngày tôi lại thuê xe tải đi giao khoảng 2.000 cây chổi. Hiện cơ sở chúng tôi có thể làm được 5 loại chổi lớn, nhỏ theo nhu cầu đặt hàng” - chị Mai nói.

Nhiều người dân ở địa phương muốn học nghề, chị Mai sẵn sàng chỉ dẫn và bao tiêu luôn sản phẩm cho họ. Mới đây, thầy trò một trường khuyết tật ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã khăn gói đến ở nhà chị ở gần 1 tháng để học việc miễn phí. Nhẩm tính, chị Mai cho biết: “Bình quân tổng doanh thu từ cơ sở sản xuất chổi là gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay nhu cầu thị trường đang dồi dào, chúng tôi có thể đảm bảo được đầu ra nên đang dự định mở rộng cơ sở để giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo ở địa phương”.

Làm giàu nhờ nuôi... vịt

Cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ Quỹ Dariu, chị Nguyễn Thị Loan (Tân Phú, Đồng Nai) tâm tình: “Trước đây cả gia đình 9 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng nên bữa đói bữa no, thiếu trước hụt sau. Đến đầu năm 2006, sau khi được tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ 500.000 đồng vốn vay ban đầu, tôi quyết định đầu tư nuôi vịt đẻ. Thời gian đầu, tôi chịu khó mang trứng ra tận chợ đầu mối tỉnh để bán cho được giá và lập mối quan hệ. Dần dần, tôi học cách ấp trứng để nhân số lượng vịt con”.

Từ 100 con vịt đầu tiên, sau 1 năm đàn vịt chị Loan đã lên tới hàng trăm con và hiện nay có hơn 2.500 con, gồm vịt đẻ và vịt thịt. Chỉ riêng tiền bán trứng, bình quân mỗi ngày chị thu được khoảng trên 3 triệu đồng. Hiện chị đang đưa đàn vịt đến nuôi ở đầu nguồn nước trong vườn nhà, phân vịt sẽ chảy xuống ao cá và cuối cùng thứ nước ấy được dùng để tưới rau màu. Mỗi năm, trừ hết chi phí, chị thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Đến thăm cơ ngơi của gia đình chị, nhìn ngôi nhà khang trang mới hoàn thành trị giá gần 200 triệu đồng, đàn vịt đầy đồng và ao nuôi cá chim trắng rộng trên 600m2 sắp thu hoạch…, ít ai có thể tin là chỉ gần 3 năm trước gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo của ấp Cây Dầu, xã Thanh Sơn.

90% hộ cải thiện đời sống từ Quỹ Dariu

Theo Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, hình thức cho vay của Quỹ Dariu phù hợp với đối tượng nghèo, có thu nhập thấp. Quỹ cho vay khởi đầu là 500.000 đồng, rồi tăng dần theo từng nấc lên 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu… và tối đa là 30 triệu đồng.

Khách hàng tham gia có hai hình thức tiết kiệm là: tiết kiệm bắt buộc và tiết kiệm tự nguyện. Tiết kiệm bắt buộc là hình thức trả góp mà khách hàng phải trả mỗi tuần theo quy định và theo số vốn vay. Tiết kiệm tự nguyện là số tiền khách hàng gửi vào tài khoản theo khả năng và có thể rút ra sử dụng bất cứ lúc nào.


Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu (Văn phòng đại diện phía Nam), cho biết: “Theo thống kê, sau 3 năm, khoảng trên 90% các hộ có vay từ Quỹ Dariu đều đã cải thiện được thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, khoảng 50% vươn lên trở thành hộ khá.

Tại phía Nam, quỹ đang phát triển ở hai tỉnh Đồng Nai và Vĩnh Long, sắp tới quỹ sẽ mở rộng ra các tỉnh nông thôn khác”.

Ngoài hoạt động tài chính vi mô, hàng năm Quỹ Dariu đã trao hàng ngàn suất học bổng và kinh phí 1 tỷ đồng cho chương trình hỗ trợ xây dựng trường học cho học sinh nghèo.


THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục