Quy định pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm

Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (sau đây gọi là Nghị định 10). 
Không phải bệnh viện (BV) nào cũng có thể thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm. Theo Điều 7 của Nghị định 10, chỉ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: cơ sở phụ sản, sản - nhi của nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên; BV đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi; BV chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân; BV chuyên khoa nam học và hiếm muộn.
Quy định pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm ảnh 1 Một ca sinh mổ từ thụ tinh trong ống nghiệm thành công ở Bệnh viện Từ Dũ TPHCM
Ngoài ra, các BV phải bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định tại Thông tư 57/2015 của Bộ Y tế, bao gồm những thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết và quy trình từng bước thực hiện. Hiện nay, danh sách các BV, cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo chưa được công bố trên phương tiện thông tin chính thống. 
Nhằm tránh tình trạng lạm dụng sự hỗ trợ của khoa học trong việc sinh sản và thắt chặt việc quản lý về gien, không phải ai cũng được luật cho phép sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Pháp luật Việt Nam quy định giới hạn chỉ có 2 đối tượng được quyền sinh con bằng kỹ thuật này, đó là cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân; pháp luật còn thu hẹp đối tượng nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam. 
Cả người nhận và cho tinh trùng, noãn đều phải được khám và làm các xét nghiệm và đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về sức khỏe như: không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.
Ngoài ra, đối với người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B. Điều khoản này nhằm bảo đảm sức khỏe của người nhận và đứa bé sẽ được hình thành bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hạ thấp nhất tỷ lệ xảy ra tai biến, tai nạn trong quá trình thực hiện kỹ thuật.
Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực tế rất khó để kiểm soát việc hiến tinh trùng, noãn. Một người có thể hiến tinh trùng, trứng tại nhiều nơi khác nhau mà vẫn chưa có cách nào kiểm soát hay nhận biết được, vì chúng ta chưa có một hệ thống dữ liệu chung cho các bệnh viện, cơ sở y tế.
Thực tiễn cho thấy có rất nhiều trường hợp bán tinh trùng, noãn để lấy tiền. Hệ quả của việc hiến nhiều tinh trùng, noãn được các chuyên gia đánh giá là rất nghiêm trọng vì nó gia tăng nguy cơ hôn nhân cận huyết, tạo ra những bệnh lý di truyền, làm suy yếu giống nòi. Đây là điều khoản bất cập và có thể nói là nghiêm trọng nhất của quy định về thụ tinh trong ống nghiệm. 
Về thủ tục hành chính, trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân đã đủ điều kiện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nộp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện các kỹ thuật này.
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 10; hồ sơ khám xác định vô sinh của phụ nữ độc thân hoặc cặp vợ chồng đứng tên trong đơn đề nghị. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phải có kế hoạch điều trị cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này và không thể có kế hoạch điều trị phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Tin cùng chuyên mục