Quy định pháp luật về việc hiến nội tạng

Việc hiến tặng nội tạng, bộ phận cơ thể để ghép chữa cho người bệnh là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Thế nhưng đã có tình trạng mục đích nhân đạo bị thương mại hóa, bởi những “cò nội tạng”. Để ngăn ngừa, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã quy định rất rõ về điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện việc hiến, lấy nội tạng, bộ phận cơ thể người.

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào muốn thực hiện cũng được, mà phải đạt những điều kiện về khả năng nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Điều 5 của Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Theo Điều 14 và Điều 21 của luật này, việc lấy mô, bộ phận cơ thể người phải có sự đồng ý của người hiến thông qua việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống hoặc sau khi chết, ngoại trừ trường hợp khi cấp cứu, cần lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống để cấy, ghép cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì không cần đăng ký, chỉ cần có sự đồng ý của người đó. (Điều 14 và Điều 21 Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006). Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người hiến lẫn người được ghép bộ phận cơ thể, Điều 16 của luật này còn đặt ra điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép bộ phận cơ thể. Theo đó, cơ sở y tế lấy, ghép bộ phận cơ thể người phải có đủ các điều kiện sau: Đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ chuyên môn về lấy, ghép bộ phận cơ thể người, gây mê, hồi sức sau ghép được cơ sở y tế hoặc cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng chuyên khoa; có trưởng kíp ghép bộ phận cơ thể người là người đã trực tiếp thực hiện ca ghép trên người. Về trang bị kỹ thuật, phải có ít nhất 3 phòng liên hoàn khép kín, bố trí một chiều, bảo đảm vô trùng, bao gồm phòng lấy, xử lý và bảo quản bộ phận cơ thể người, phòng ghép và phòng hồi sức sau ghép; có phòng kỹ thuật dành riêng cho việc theo dõi, chăm sóc liên tục người hiến hoặc người được ghép; có đơn vị ghép thực nghiệm; có phòng xét nghiệm; có đơn vị lọc máu, chạy thận nhân tạo đối với trường hợp ghép thận. Về y tế, phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế về thăm dò chức năng, huyết học, hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, định lượng nồng độ thuốc chống thải ghép để bảo đảm việc chẩn đoán và theo dõi người hiến, người được ghép trước, trong và sau khi ghép; có đủ cơ số thuốc cần thiết đáp ứng yêu cầu thực hiện quá trình lấy, ghép và phục hồi sau khi ghép.

Như vậy, việc lấy, ghép nội tạng, bộ phận cơ thể người phải đảm bảo những điều kiện như trên và phải được thực hiện bởi các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Mọi hoạt động lấy, ghép bộ phận cơ thể người không đúng theo quy định trên đều là hành vi bị cấm. Cấm các hành vi ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi.

Thế nhưng, một lỗ hổng pháp lý trong vấn đề này là mặc dù luật quy định những hành vi bị cấm liên quan đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể, nhưng lại không có những quy định hoặc các văn bản hướng dẫn về chế tài để xử lý những hành vi này. Chỉ có Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể được áp dụng đối với hành vi cố tình lấy mô, bộ phận cơ thể của người đã chết mà không có sự đồng ý của người đó khi còn sống (hoặc sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó). Do đó, không ít cá nhân lợi dụng kẽ hở này để biến tướng việc hiến nội tạng, bộ phận cơ thể người trở thành một hoạt động thương mại, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, tâm lý lo lắng về sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để “cò nội tạng”. Và tất nhiên, đằng sau đó là những hoạt động lấy mô, nội tạng, bộ phận cơ thể người “chui”. Đây là một hoạt động vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý lại khá khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục