Quy định rõ trách nhiệm khi cho thuê lại lao động

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đang được thực thi từ gần 1 năm qua có những quy định mới, thông thoáng hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật Lao động cũ. Trong đó, lần đầu tiên việc cho thuê lại lao động được quy định cụ thể.

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đang được thực thi từ gần 1 năm qua có những quy định mới, thông thoáng hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật Lao động cũ. Trong đó, lần đầu tiên việc cho thuê lại lao động được quy định cụ thể.

Theo đó, “Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau, và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động”.

Trong thực tế, mặc dù trước đó chưa có quy định pháp luật này, nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện việc cho thuê lại lao động, hoặc cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ. Trong đó, phải kể đến nhu cầu thuê lực lượng lao động thời vụ làm việc tại các công trình thi công của các doanh nghiệp xây dựng. Đó là nhu cầu thực tế, chính đáng, vì ngoài lực lượng lao động đã ký kết hợp đồng lao động chính thức, có thời điểm doanh nghiệp xây dựng cần đến vài trăm, thậm chí cả ngàn lao động thời vụ để thi công, xây dựng các công trình.

Vấn đề pháp lý đặt ra cho cả doanh nghiệp cho thuê lại lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động cho thuê, là nếu xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) trong khi người lao động đang làm việc tại công trình, thì bên nào phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật cũng thực hiện đầy đủ chế độ TNLĐ cho người lao động - doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay doanh nghiệp thuê lao động, nơi người lao động đang làm việc?

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động là: “Thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của bộ luật này: trả tiền lương, tiền lương của ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, tiền lương ngừng việc, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, vấn đề pháp lý hết sức quan trọng về trách nhiệm khi xảy ra TNLĐ lại bị bỏ ngỏ và chưa có quy định cụ thể.

Tôi đã làm việc trong ngành xây dựng, cũng như tư vấn pháp luật lao động cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, thi công các công trình, qua đó nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, băn khoăn và đặt vấn đề ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra rủi ro về TNLĐ? Khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại hoặc bên sử dụng lao động thực hiện không đúng các chế độ của pháp luật lao động, người lao động sẽ phản ánh với Ban chấp hành Công đoàn đơn vị nào?

Do đó, cần thiết phải quy định cụ thể về trách nhiệm khi cho thuê lại lao động trong Bộ luật Lao động, hoặc cần ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể việc thi hành Bộ luật Lao động, tránh trường hợp các doanh nghiệp suy diễn mỗi nơi mỗi kiểu hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, xảy ra tranh chấp, khiến người lao động bị thiệt thòi.

NGUYỄN ĐƯỚC
(quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục