Quy định tách thửa còn nhiều bất cập

Sau hơn 1 năm Quyết định 60 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa có hiệu lực, bên cạnh những tích cực cũng bộc lộ không ít vướng mắc. 

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9 - địa phương đang có quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu tách thửa của người dân khá lớn -  về những việc “được và chưa được” liên quan vấn đề tách thửa.

Một góc phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM                                                         Ảnh: CAO THĂNG
 ° PHÓNG VIÊN: Sau hơn 1 năm Quyết định 60 có hiệu lực, từ thực tiễn của địa phương, ông có đánh giá như thế nào?


°Ông Hoàng Minh Tuấn Anh: Sau hơn 1 năm kể từ khi ban hành, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND đã đem đến nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và hạ tầng được chặt chẽ và thống nhất trên địa bàn thành phố. Hạn chế được trường hợp đầu cơ, phân lô tách thửa không đúng quy hoạch, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; quy định cụ thể điều kiện tách thửa cũng như những trường hợp không được tách thửa; quy định diện tích tối thiểu tách thửa đất ở, không phân biệt đất có nhà hay đất trống; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tách thửa, chấm dứt tình trạng một số chủ sử dụng đất xin cấp phép xây dựng nhà, hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật để công nhận tài sản gắn liền với đất, đủ điều kiện tách thửa diện tích nhỏ theo các quy định trước đây về tách thửa đối với đất ở có nhà ở hiện hữu, rồi sau đó không sử dụng sau khi hoàn tất thủ tục tách thửa; góp phần giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị, đồng thời không gây lãng phí cho người dân.

Trường hợp tách thửa hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng xã hội, phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng chung hiện hữu của khu vực. Xem xét giải quyết tách thửa đất ở, đất nông nghiệp cho cả đối tượng là hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong khi trước đây Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ngày 15-10-2014 của UBND TPHCM chỉ quy định diện tích tách thửa đất ở tối thiểu đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc khi thừa kế.

°Kết quả giải quyết hồ sơ tại quận 9 như thế nào, thưa ông?

°Từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2018, UBND quận 9 đã tiếp nhận và giải quyết 287 hồ sơ tách thửa đất ở và 1 hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp. Trong đó, 279 hồ sơ tách thửa đất ở đã có đường hiện hữu, không hình thành đường giao thông và 8 hồ sơ tách thửa hình thành đường giao thông đối với trường hợp chuyển tiếp giữa quyết định số 33/2014/QĐ-UBND và Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND. Về công tác thực hiện phê duyệt và kiểm tra, nghiệm thu việc xây dựng đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác được UBND quận 9 thực hiện rất chặt chẽ. Sau khi nhận hồ sơ, các đơn vị chuyên môn và UBND các phường đều thực hiện công tác kiểm tra hiện trạng, hệ thống đường giao thông và hệ thống hạ tầng hiện hữu để đánh giá tính kết nối cho phù hợp. Công tác này đều được ghi nhận bằng hình ảnh và lưu trữ trong hồ sơ. 

Hồ sơ nếu có vướng mắc sẽ được các phòng ban chuyên môn kiểm tra và đề xuất, báo cáo để tổ công tác liên ngành phân tích và tìm hướng xử lý đúng theo quy định, nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng hiện hữu. Sau khi được phê duyệt, công tác triển khai xây dựng và nghiệm thu đều được kiểm tra. Các khu đất khi thực hiện công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo 100% việc kết nối giao thông, thoát nước, cấp nước và chiếu sáng, kích thước hình học và kết cấu công trình.

° Vậy những bất cập hiện nay là gì?

°Trong quá trình thực hiện còn vướng mắc do quy định chưa rõ ràng. Cụ thể, Luật Quy hoạch đô thị quy định thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 là 5 năm. Luật Đất đai 2013 quy định thời gian rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 3 năm. Trong khi đó, Quyết định 60 lại quy định thời gian sau 3 năm, kể từ ngày rà soát phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với các trường hợp tách thửa đất ở trong khu vực có chức năng quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi đất, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì được tách thửa là chưa phù hợp theo Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, “sau 3 năm rà soát quy hoạch” không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều mốc thời gian khác nhau dẫn đến việc các quận huyện sẽ không thống nhất trong việc áp dụng. Liên quan đến nội dung này, UBND quận 9 đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 2243/STNMT ngày 12-3-2018 trình UBND TPHCM ban hành văn bản chỉ đạo để các quận huyện thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM. Nhiều ý kiến đề nghị, nên điều chỉnh sau 5 năm, kể từ ngày phê duyệt các quy hoạch này, như quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt xác định thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở), mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi đất, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì được tách thửa đất và được xem như đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang.

Tin cùng chuyên mục