Quy hoạch treo, vướng đến bao giờ?

10 năm chờ xin cấp sổ

Qua buổi giao lưu trực tuyến tại Báo SGGP ngày 28-3 vừa qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vẫn chưa giải đáp hết các câu hỏi mà người dân đặt ra. Vì thời gian có hạn, người dân không thể trao đổi đến tận cùng vấn đề của mình như “quy hoạch treo” hàng chục năm khiến không xây nhà được; hồ sơ đã nộp thuế trước bạ xong, quận báo vướng, thế là “treo” sổ... Thậm chí có gia đình cả đời theo đuổi cái sổ đỏ nhưng vẫn không được vì vướng “quy hoạch treo”! Lâu nay, vốn người dân chưa thỏa mãn với sự giải quyết của chính quyền địa phương, nên kỳ vọng sở chuyên môn sẽ đáp ứng, thế nhưng, câu chuyện “quy hoạch treo” đến giờ gần như vẫn chưa có lời giải!

Bên trong nhà 344/3 Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM bị “quy hoạch treo”. Ảnh: THÀNH TRÍ

10 năm chờ xin cấp sổ

Bạn đọc Hà Nguyên (email: nhat.ha1966@gmail.com) cho biết, căn nhà số 344/3 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5 chỉ hơn 40m² nhưng chứa tới 14 thành viên. Người mẹ nay đã 95 tuổi nhưng có hơn chục năm theo đuổi hành trình xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng nhà ở (sổ hồng) cho cả gia đình. Cuối cùng, sau mấy chục lần lên xuống cơ quan công quyền, đến năm 2015 - 2016, gia đình nhận được giấy báo “nộp thuế trước bạ nhà ở”. Vui mừng vì cuối cùng cũng được nộp thuế, có nghĩa hồ sơ đã được chấp nhận cấp giấy chứng nhận nhà đất, nên gia đình nộp tiền ngay trong ngày. Sau khi nộp thuế, gia đình mang biên lai nộp cho Văn phòng Đăng ký đất đai quận 5 và được hẹn ngày 20-2-2017 đến nhận kết quả. Không ngờ, đến ngày hẹn thì được thông báo nhà đất “vướng quy hoạch”, Sở TN-MT chưa trả lời nên không cấp sổ được.

Thế là mọi chi phí lo cho thủ tục như bản vẽ, sao y, công chứng đủ loại giấy tờ, công sức đi lại và tiền thuế trước bạ… gia đình đã bỏ ra nhưng cuối cùng vẫn không có được cái sổ! Bà mẹ than vãn, là gia đình liệt sĩ nhưng bà chưa từng được hưởng chính sách về nhà ở, cả gia đình 14 nhân khẩu đã ở trong căn nhà này trên 60 năm rồi và bị quy hoạch đã 20 năm, đến giờ tưởng bỏ nhưng không ngờ lại đẩy gia đình đi vào ngõ cụt và mất thêm tiền. Dù gia đình bà đã làm đơn khiếu nại, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quận trả lời. Sau khi đọc những bức xúc này, lãnh đạo Sở TN-MT chỉ đạo ngay Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố liên hệ với UBND quận 5 để phối hợp với các phòng ban liên quan của quận 5 rà soát lại các trường hợp vướng mắc về cấp giấy chứng nhận để thống nhất việc giải quyết. Đồng thời, sẽ đề nghị UBND quận 5 xem xét đơn khiếu nại của gia đình bà Hà Nguyên và có văn bản trả lời sớm nhất.

Tương tự, bà Kim Phượng (phuocdark@gmail.com) hỏi: “Tôi có căn nhà diện tích 106m2 ở ven quốc lộ 22, nhà và đất do cha mẹ tôi cho vào năm 1990. Cha mẹ tôi có đến xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn làm giấy sang nhượng cho tôi, được UBND xã Tân Xuân đóng dấu. Năm đó tôi chưa có tiền để làm sổ hồng. Đến năm 2003 tôi mới có khả năng làm sổ thì trong giấy tờ sổ hồng ghi “nhà đất trong khu quy hoạch không được công nhận”, mà chỉ công nhận cho tôi 28m2. Tôi đã làm đơn xin cấp sổ mới và đo vẽ lại nhà và đất, được Phòng TN-MT huyện Hóc Môn ký chấp nhận trong bản vẽ là “nhà và đất trong khu quy hoạch được công nhận”. Tôi nộp hồ sơ làm lại sổ mới hơn 2 tháng thì huyện trả hồ sơ và không chấp nhận. Bà lo lắng hỏi, vậy tôi muốn đổi lại sổ hồng mới thì phải làm sao? Nếu không được đổi sổ thì khi giải tỏa, tôi có được bồi thường giải phóng mặt bằng như những hộ khác hay không?”. Lãnh đạo Sở TN-MT yêu cầu bà Phượng gửi đơn đến UBND huyện Hóc Môn để được trả lời bằng văn bản vì sao không cấp giấy chứng nhận để làm căn cứ khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Riêng chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giải tỏa nhà đất làm đường sẽ được Nhà nước căn cứ vào các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư; trong đó có xem xét đến thời điểm tạo lập và quá trình sử dụng nhà đất. Bà cần chuẩn bị các giấy tờ về thời điểm sử dụng đất, xây dựng nhà ở ổn định để phục vụ các yêu cầu về xác minh thời điểm xây dựng hoặc xác định nghĩa vụ tài chính trong trường hợp được cấp cấp giấy chứng nhận theo quy định. 

Đi - ở không xong!

Ông Đỗ Thế Dậu, ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, trình bày ông nhận chuyển nhượng lô đất bằng giấy tay từ năm 2003 và đã xây nhà ở. Sau đó ông làm hồ sơ xin cấp chủ quyền thì ngày 23-7-2008, Phòng TN-MT quận Tân Phú trả lời: “...Theo QĐ số 1980/QĐ-UBND ngày 5-5-2007 của UBND TPHCM thì căn nhà thuộc quy hoạch khu vực đất dự án phức hợp xây mới...” nên không được cấp giấy chủ quyền. Mặc dù lãnh đạo Sở TN-MT cho biết, UBND TP vừa chấp thuận đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhiều khu vực, trong đó có quy hoạch đất chỉnh trang đô thị. Hiện các quận, huyện đang rà soát, thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Lãnh đạo Sở TN-MT yêu cầu ông liên hệ UBND quận Tân Phú để biết được thời gian và thủ tục giải quyết hồ sơ. Thế nhưng, ông Dậu lo lắng vì cho rằng việc hỏi thông tin ở quận là vô cùng khó khăn...

Trường hợp của ông Lê Thanh (thuan220684@gmail.com) cũng thế, ông mua đất giấy tay trước năm 2008 và xây dựng nhà không phép vào năm 2010 (không bị xử phạt), được UBND quận Thủ Đức cấp số nhà vào năm 2015. Sở dĩ ông không xin phép xây dựng được vì vướng quy hoạch “công viên cây xanh” phường Tam Phú. Bạn đọc ở địa chỉ mail: (nhatsovico@gmail.com) cũng phản ánh căn nhà trước đây chưa hợp thức hóa được, nay muốn xin cấp sổ thì bị vướng “quy hoạch treo”. Cũng vướng “quy hoạch treo”, các hộ dân ở cuối đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) cũng mua giấy tay từ năm 2003, nhưng do nằm trong quy hoạch công viên cây xanh và mở rộng đường nhiều năm rồi, giờ đã xóa quy hoạch chưa? Nếu xóa thì cấp sổ cho dân; còn không thì đề nghị sớm giải tỏa, đền bù hỗ trợ di dời vì nhà đã xuống cấp quá nặng, có thể bị sập bất cứ lúc nào, nền nhà thấp hơn mặt đường hơn 1m (do đường Hoàng Quốc Việt nâng lên). Các gia đình ở đây muốn nâng nền và cất lại nhà cấp 4 để sinh sống tạm có được hay không? Rất nhiều người dân khác cũng rơi vào cảnh bị vướng “quy hoạch treo” hàng chục năm, xin cấp giấy chứng nhận không được, nhưng xin bồi thường để tạo lập chỗ ở ổn định khác cũng không xong.

Mặc dù người dân rất bức xúc, nhưng hầu hết chính quyền địa phương các nơi rất chậm chạp trong việc điều chỉnh quy hoạch để dân phải sống trong thấp thỏm “đi không được, ở không xong”. Còn lãnh đạo TP không nắm cụ thể vấn đề nên câu trả lời vẫn là chung chung “TP đang điều chỉnh quy hoạch, hiện các quận đang rà soát, điều chỉnh” và yêu cầu người dân về liên hệ UBND quận, huyện nơi mình sinh sống để biết thời gian và thủ tục giải quyết hồ sơ. Trong khi đó, ngay cả những khiếu nại của dân về lý do không được cấp giấy chứng nhận để có cơ sở khiếu nại lên cấp trên hoặc ra tòa còn chưa được trả lời. Hầu hết đơn khiếu nại chính quyền địa phương đều rơi vào tình trạng... một đi không trở lại, hỏi cấp trên thì được chỉ trở lại quận, cuối cùng dân không biết kêu ai!


HÀN NI

Tin cùng chuyên mục