Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức: Quan trọng nhất là phải tận tụy phục vụ dân

Chiều 21-10, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, Sở Nội vụ đã trình UBND TP quy tắc yêu cầu công chức khi thực hiện nhiệm vụ phải có trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Đặc biệt, quy tắc nghiêm cấm công chức mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm việc. 
Cán bộ UBND quận 1, TPHCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ UBND quận 1, TPHCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Công khai quy định cũ để công chức chuyên nghiệp hơn
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng vào các dịp lễ hội, thể dục thể thao thì không cấm nhưng trong giờ làm việc, công chức phải ăn mặc lịch sự, có văn hóa. Theo ông Trung, cách đây nhiều năm, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND TP ban hành những điều công chức được làm và những điều công chức không được làm. Theo đó, công chức không được mang dép lê, mặc quần jeans, áo thun hay nam công chức không được mặc quần tây, áo sơ mi màu sắc “chim cò”. Tuy vậy, các quy định này chỉ là quy chuẩn mang tính chất nội bộ nhiều hơn. “Còn dự thảo mà Sở Nội vụ vừa trình đề nghị có sự tham gia sát của người dân, mặt trận, đoàn thể cũng như các cơ quan báo chí”, ông Trung giải thích và khẳng định việc ăn mặc là hình thức bên ngoài nhưng cũng rất quan trọng trong mối quan hệ giữa người đại diện nhà nước với người dân.
Ông Lê Hoài Trung nhận xét công chức mà nhuộm tóc xanh, tóc vàng hoặc móc bông vô lỗ mũi là không ổn. Vì vậy, hình thức của công chức (trang phục, giày dép, tóc tai…) cần phải hài hòa với văn hóa, thể hiện hình ảnh gương mẫu, chuẩn mực. Ngoài ra, công chức ăn mặc chỉn chu, lịch sự còn thể hiện sự tôn trọng đối với người dân.
Đây là nguyên nhân chính mà Sở Nội vụ đề xuất UBND TP ban hành quy tắc ứng xử của công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Theo đó, công chức, viên chức từ cấp TP đến cấp phường trên địa bàn TP phải tuân theo bộ quy tắc này. Bên cạnh các quy định về “hình thức”, Sở Nội vụ cũng đề xuất các quy định về “nội dung” như thái độ ứng xử, phát ngôn của công chức  và yêu cầu lắng nghe tận tụy phục vụ, giải thích cho người dân. Quy tắc yêu cầu công chức phải có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp; không nhũng nhiễu, nạt nộ dân… 
Cần chất lượng phục vụ hơn trang phục đẹp
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, đánh giá việc cấm công chức mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm việc có điểm bất cập, đó là không tạo sự thoải mái khi làm việc vào buổi tối hay vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Vấn đề là cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân cần ăn mặc kín đáo, gọn gàng, lịch sự và thế nào là kín đáo, lịch sự thì từng cơ quan, từng ngành sẽ có quy định phù hợp. Do vậy, công chức cũng có thể mặc áo thun, chỉ có điều phải mặc áo thun có cổ. Trang phục và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức khác nhau. Trang phục đẹp mà chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp không tốt thì cần xem lại.
Anh Nguyễn Văn Tính (ngụ quận 8, TPHCM) nhận xét, việc TPHCM ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là công chức) trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM là cần thiết. Tuy nhiên, việc yêu cầu công chức không được mặc quần jeans, áo thun khi làm việc thì không thật sự quan trọng. “Tôi không quan trọng công chức ăn mặc thế nào, miễn đừng hở hang, phản cảm… là được. Điều quan trọng mà người dân cần là công chức làm việc hiệu quả và tận tụy phục vụ dân hay không”, anh Tính nói. Theo anh Tính, hiện nay, nhiều cán bộ giải thích rất hời hợt, không dành thời gian nghe người dân trình bày cụ thể hoặc không chủ động gợi mở, hỏi người dân để nắm rõ tình hình (trong trường hợp người dân trình độ hạn chế, không biết cách trình bày hết yêu cầu của mình) khiến người dân phải đi lại bổ túc hồ sơ nhiều lần. Do đó, anh Tính đề nghị quy tắc cần ghi rõ: Cán bộ phải lắng nghe, chủ động hướng dẫn rõ ràng và đầy đủ cho người dân. “Đặc biệt, khi cán bộ, công chức tiếp nhận đơn từ, yêu cầu của người dân thì phải có ngày hẹn báo kết quả giải quyết rõ ràng. Kết quả được hay không cũng phải thông tin, không để người dân dài cổ chờ đợi mà không biết kết quả như thế nào. Tinh thần hiệu quả, rõ ràng, rốt ráo như vậy mới thực sự là những điều người dân mong cần có ở dự thảo quy tắc của TP”, anh Tính đề nghị.

Tin cùng chuyên mục