Quyền bình đẳng

Mặc dù tạo được ấn tượng tốt đối với người xem về sự đầu tư nghiêm túc, mức độ quy mô, hoành tráng của các mô hình, sản phẩm, song ngày hội “Lớn lên cùng sách” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vừa qua tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP đã khiến những người tham dự hoài nghi về chính sự chỉn chu trong một số tác phẩm của học sinh.
Học sinh tham quan các mô hình sáng tạo được triển lãm tại Hội thi “Lớn lên cùng sách”
Học sinh tham quan các mô hình sáng tạo được triển lãm tại Hội thi “Lớn lên cùng sách”
Không thể phủ nhận nỗ lực sáng tạo của các “cộng sự nhí”, song người tinh ý sẽ nhận thấy nhiều sản phẩm tham gia ngày hội có dấu ấn sắp đặt rất rõ của người lớn. Từ nét chữ ghi trên các băng rôn, bảng giới thiệu đến việc đầu tư thiết kế và bảo quản mô hình.
Trong thời gian hơn 4 tiếng triển lãm các gian hàng, người viết nhận thấy có rất ít học sinh “trực chiến” bên cạnh sản phẩm của mình. Thay vào đó, các thầy cô giáo lại là người thuyết minh, kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ, nhắc nhở khách tham quan “Không được chạm tay lên mô hình”.
Đáng buồn hơn, trong 3 trò chơi tổ chức bên lề các hoạt động thi thố, rất nhiều lần người dẫn chương trình phải nhắc nhở “Mong các thầy cô đừng can thiệp để học sinh tự thi thố”. Ở trò chơi xé giấy dán tranh cổ động, khi người dẫn chương trình báo hiệu sắp hết giờ, nhiều thầy cô lao vào tác nghiệp chung với học trò.
Còn nhớ hồi đầu tháng 12-2017, tại một hội thảo về xây dựng mô hình trường học xanh diễn ra tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Thanh bày tỏ trăn trở khi nhìn thấy dòng chữ “Toilet dành cho giáo viên. Học sinh không được phép sử dụng” ở nhiều trường học.
Vị phó giám đốc đặt câu hỏi: “Vì sao phải phân biệt quá rạch ròi toilet dành cho giáo viên và toilet của học sinh?”.
Tương tự, ở nhiều trường đại học, không khó tìm ra dòng chữ “Thang máy dành cho giảng viên. Sinh viên không được phép sử dụng”. Thậm chí, đầu năm ngoái, một phụ huynh ở quận Thủ Đức từng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội về việc phát hiện nước uống (loại bình nước suối 20 lít) dành cho giáo viên và cho học sinh ở trường con mình đang theo học thuộc 2 dòng nhãn hiệu có khoảng cách chênh lệch khá xa về giá cả.
Trong khi đó, tại các trường học ở Nhật và nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, không có phân biệt về quyền sử dụng toilet và thang máy ở các trường học. Thay vào đó, học sinh được học cách xếp hàng và nhường chỗ ưu tiên cho người lớn tuổi, trẻ em và người khuyết tật.  
Ngành giáo dục đang đổi mới theo hướng xây dựng một chương trình tổng thể chú trọng các yêu cầu rèn luyện phẩm chất và năng lực người học, giúp học sinh trở thành những cá thể độc lập, tự tin, có tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu không thay đổi từ trong cách thức tổ chức, mọi nỗ lực sẽ chỉ là hô hào, khó phát huy hiệu quả bền lâu.

Tin cùng chuyên mục