Quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống buôn lậu

 Vấn đề chống buôn lậu không phải qua phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương mới trở nên “nóng”, mà đã thường xuyên được các cơ quan truyền thông nhắc đến. 
Là một cử tri, tôi rất hoan nghênh và ủng hộ đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khi ông nói về vấn đề chống buôn lậu thuốc lá ở một số địa phương; trong đó, hình ảnh ông cầm một túi to thuốc lá lậu đã mua được tại An Giang mà không hề bị ai kiểm tra, xử lý, đã gây ấn tượng mạnh. Vấn đề chống buôn lậu không phải qua phát biểu này mới trở nên “nóng”, mà đã thường xuyên được các cơ quan truyền thông nhắc đến. 
Cần phải có cái nhìn nghiêm khắc về vấn đề buôn lậu thì mới có thể có những giải pháp phù hợp. Buôn lậu là trốn thuế. Trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải nộp thuế thì các doanh nghiệp hoặc cá nhân buôn lậu do trốn thuế nên có thể bán hàng hóa với giá rẻ hơn. Sự không bình đẳng đó có thể gây đình đốn, thậm chí giết chết một số doanh nghiệp, khiến người lao động bị mất việc, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, buôn lậu còn nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng, về chất lượng, kiểu dáng, mức độ an toàn; từ đó có thể đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện tượng một số loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào nước ta diễn ra trong thời gian qua vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, là nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe người dân… 
Ở khía cạnh vĩ mô, buôn lậu có khả năng phá hoại chính sách kinh tế của một địa phương, một khu vực, thậm chí của cả nước. Chẳng hạn, nhiều năm trước, nhà nước ta thực hiện chính sách trợ giá xăng dầu thông qua quỹ bình ổn và thuế, nhằm giúp điều chỉnh giá xăng dầu ở mức hợp lý, ít gây ra tác động đến giá cả của các hàng hóa và dịch vụ khác. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước thường thấp hơn giá xăng dầu ở Campuchia. Thế nên, không ít người đã dùng mọi thủ đoạn để tuồn xăng dầu sang nước bạn khiến chính sách hỗ trợ giá ít nhiều mất tác dụng. Thậm chí, trong một số thời điểm, khi sự trợ giá càng cao thì quy mô buôn lậu càng lớn. Điều đó làm thiệt hại cho ngân sách, trong khi đối tượng mà nhà nước quan tâm thì lại không được thụ hưởng. Trong một số trường hợp, buôn lậu còn thúc đẩy tuồn vào Việt Nam những loại hàng hóa không được khuyến khích, do không có lợi cho sức khỏe người dân, cho môi trường… Thuốc lá lậu, ngoài việc gián tiếp phá hoại chính sách thuế, thì với giá thuốc lá trong nước ngày càng tăng, càng thúc đẩy người tiêu dùng chọn thuốc lá lậu. Còn với các hoạt động nhập lậu phân bón, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của người sản xuất nông nghiệp mà còn tác động xấu đến hoạt động sản xuất phân bón của ngành công nghiệp này. Đồng thời, trong phân bón lậu có thể có chứa những chất gây ô nhiễm môi trường…
Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng. Biện pháp phòng chống phải được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan. Trong đó, cần ngăn chặn từ biên giới, cửa khẩu, đẩy mạnh chống từ “ngọn”; ở “nguồn” phải tăng cường lực lượng chuyên trách được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện, đồng thời có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh việc “bắt tay” của lực lượng này với bọn buôn lậu; ở “ngọn” phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ của các hàng hóa đang được bày bán. Song song đó, cần áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn với hành vi buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu và kể cả thiếu trách nhiệm trong công tác chống buôn lậu. Những trường hợp luật pháp chưa đủ răn đe thì xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp…

Tin cùng chuyên mục