Lấy thông tin quy hoạch như thế nào?

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch 1/5.000 và 1/2.000
Lấy thông tin quy hoạch như thế nào?

LTS: Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đối với các thông tin về quy hoạch, từ số báo này, trong số báo ra vào các ngày thứ tư hàng tuần, chúng tôi sẽ có Trang chuyên đề Quy hoạch và Phát triển bền vững. Các vấn đề về an toàn giao thông mà bạn đọc quan tâm, chúng tôi sẽ đăng tải trong các trang khác.

Thông tin quy hoạch là một trong những dữ liệu mà người dân và doanh nghiệp rất cần khi xây, sửa hoặc mua bán nhà, thực hiện đầu tư các dự án địa ốc. Do vậy, nhu cầu lấy thông tin quy hoạch của người dân và doanh nghiệp là rất lớn. Đáp ứng yêu cầu ấy, ngày 30-12-2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã ban hành thông báo số 3800 hướng dẫn mới về việc lấy thông tin quy hoạch tại sở. Để giúp người dân hiểu rõ hơn thủ tục này, PV báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch 1/5.000 và 1/2.000

- PV: Thưa ông, người dân có thể được cung cấp những thông tin quy hoạch nào tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc?

Ông TRẦN CHÍ DŨNG: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có thể cung cấp các thông tin quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/2.000 đã được ngành chức năng phê duyệt. Trong đó, bao gồm các nội dung về: chức năng sử dụng đất, chức năng công trình xây dựng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao tối đa, chiều cao tối thiểu, các quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật như an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, đường giao thông, các quy định về hệ thống hạ tầng xã hội như quy mô dân số, trường học, các quy định về kiến trúc như phong cách kiến trúc, màu sắc, vật liệu… và cả thời hạn có hiệu lực của các văn bản thông tin quy hoạch.

- Thông tin tại các đồ án quy hoạch chung 1/5.000 hay thậm chí thông tin tại các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 thường là thông tin chung về một khu vực nào đó có quy mô khá lớn (quận - huyện, phường - xã). Trong khi đó người dân hoặc chủ đầu tư lại thường muốn biết thông tin quy hoạch tại một địa điểm rất cụ thể. Sở Quy hoạch - Kiến trúc có thể cung cấp những thông tin như vậy cho người dân và các nhà đầu tư hay không?

Theo quy định mới của Bộ Xây dựng, việc lấy thông tin như vậy được gọi là quá trình xin giấy phép quy hoạch. Thủ tục cấp giấy phép này như thế nào thì chúng tôi còn phải đợi Bộ Xây dựng hướng dẫn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, gặp các tình huống như thế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ họp hội đồng chuyên môn và tham khảo ý kiến của các sở ngành liên quan như Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng… và cả các địa phương nơi có địa điểm mà người dân và nhà đầu tư quan tâm, để tìm ra câu trả lời.

Nội dung trả lời sẽ được báo cáo lên UBND TPHCM xem xét. Nếu UBND TPHCM chấp thuận, sở sẽ chuyển nội dung trả lời cho người dân hoặc các nhà đầu tư. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng dự định sẽ đề xuất Bộ Xây dựng thực hiện quá trình cung cấp giấy phép quy hoạch cho người dân hay các chủ đầu tư theo trình tự này.

Thời gian cung cấp thông tin tối đa là 20 ngày

- Quy trình như thế có quá phức tạp không thưa ông? Việc cung cấp thông tin quy hoạch ở một vị trí cụ thể nào đó có nên “đẩy” lên UBND TP?

Một khu cao ốc đang xây dựng tại quận 8. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một khu cao ốc đang xây dựng tại quận 8. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thực ra những thông tin quy hoạch cần lấy ý kiến của UBND TP không nhiều. Hiện nay, TPHCM đã ban hành nhiều quy định về xây dựng. Ví dụ, Quyết định 135 về xây nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu; Quy định về xây, sửa nhà trong 4 ô phố trước Dinh Thống Nhất; tại các khu dân cư mới thì đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt làm hành lang pháp lý cho việc xây, sửa nhà…

Các quy định này đã điều chỉnh việc xây dựng, sửa chữa của hầu hết các công trình nhà ở tại TPHCM. Hiện chỉ còn một số vị trí “nhạy cảm” như khu trung tâm thành phố (đang được làm quy hoạch chi tiết 1/2.000) hay việc sửa chữa, xây dựng mới tại các ngôi biệt thự cổ, có giá trị bảo tồn… mới phải lấy ý kiến các sở ngành, quận - huyện liên quan và trình UBND TPHCM xem xét.

- Thưa ông, người dân và nhà đầu tư có thể lấy thông tin quy hoạch ở bất cứ vị trí nào mà mình quan tâm?

Theo quy định, người dân hay nhà đầu tư muốn xin thông tin quy hoạch phải nộp các giấy tờ sau: Sơ đồ vị trí khu đất được xác định bằng bản đồ hiện trạng vị trí khu đất tỷ lệ 1/500 hoặc 1/200 do cơ quan có tư cách pháp nhân thực hiện, thời hạn chưa quá 2 năm (bản chính hoặc sao y bản chính có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền); bản sao y có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, các giấy tờ pháp lý của khu đất như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất (đối với nhà đầu tư) và các văn bản pháp lý khác liên quan đến khu đất nếu có; phương án thiết kế kiến trúc sơ phác, nếu có. Có nghĩa là người dân và các nhà đầu tư chỉ có quyền xin thông tin quy hoạch tại các khu đất thuộc quyền sử dụng của mình. Nếu muốn biết thông tin quy hoạch của các khu đất khác, người dân và các nhà đầu tư có thể tham khảo quy hoạch chi tiết tại các khu vực ấy.

- Người dân sẽ phải nộp hồ sơ lấy thông tin quy hoạch ở phòng ban nào của sở? Thời gian phải chờ là bao lâu?

Người dân và nhà đầu tư có thể lấy “đơn đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch đô thị” tại Văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ, sở xem xét và trả lời trong thời gian tối đa 20 ngày làm việc.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục