Chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 tại TPHCM

Quản lý chặt quỹ đất dành cho công trình giao thông

TPHCM đang gấp rút hoàn thành kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015. Dù chưa chính thức được ban hành song đây là một kế hoạch có rất nhiều cái hay, cái mới, đặc biệt là có nhiều giải pháp toàn diện hơn, căn cơ hơn.
Quản lý chặt quỹ đất dành cho công trình giao thông

TPHCM đang gấp rút hoàn thành kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015. Dù chưa chính thức được ban hành song đây là một kế hoạch có rất nhiều cái hay, cái mới, đặc biệt là có nhiều giải pháp toàn diện hơn, căn cơ hơn.

  • Quy hoạch và quản lý đô thị

Đây là giải pháp được đưa ra đầu tiên trong dự thảo chương trình hành động nhằm giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 của Thành ủy TPHCM và cũng là giải pháp được đưa ra trước hết trong kế hoạch thực hiện chương trình này của UBND TPHCM.

Ùn tắc giao thông gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: KIM NGÂN

Ùn tắc giao thông gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: KIM NGÂN

Theo đó, Thành ủy TPHCM yêu cầu điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) cho phù hợp với Quy hoạch chung Xây dựng TPHCM đến 2025. UBND TPHCM phải chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, hợp nhất quy hoạch các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT, quy hoạch tổ chức giao thông đô thị, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đến việc sử dụng đất để triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị một cách đồng bộ.

Các sở, ngành phải triển khai quy hoạch chi tiết và chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng các nút giao thông trọng điểm để thực hiện ngay khi có kinh phí. Sở GTVT phải bố trí, thuê tư vấn có năng lực lập dự án kêu gọi đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; quy hoạch chi tiết các dự án xây dựng các trục đường mới để có phương án thu hồi, tạo quỹ đất cho TP, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường và chỉnh trang đô thị. Các sở, ngành chuyên môn và các quận, huyện phải quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho các công trình hạ tầng GTVT với các công việc cụ thể: xác định ranh, tổ chức cắm mốc và tiến hành giữ gìn quỹ đất này.

Thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP do Sở Quy hoạch Kiến trúc làm trưởng đoàn có sự tham gia của Sở GTVT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện. Định kỳ 6 tháng đoàn sẽ thực hiện việc quản lý, sử dụng quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn các quận, huyện, tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng khu dân cư ở ngoại thành với đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, công viên… nhằm hạn chế tình trạng dân đổ dồn vào nội thành đồng thời tạo điều kiện giãn dân từ trong nội thành ra. Việc kết nối giao thông đến các khu dân cư, các khu đô thị mới sẽ được ưu tiên thực hiện.

  • Khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện hữu

Tăng vốn và đẩy mạnh công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống đường hiện hữu nhằm phát huy tối đa hệ thống giao thông hiện có. Ngành chức năng sẽ nghiên cứu mở rộng các hẻm có khả năng nối thông giữa các tuyến đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường chính và các nút giao thông theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh luồng giao thông cho phù hợp ở các tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là khu vực trung tâm, các trục giao thông chính ra vào TP.

Một số nút giao thông sẽ được bố trí kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.

Ngã tư Hàng Xanh, Bùng binh Cây Gõ, Vòng xoay Dân Chủ, Vòng xoay Phú Lâm, Vòng xoay An Lạc, Vòng xoay Lăng Cha Cả, nút giao thông Nguyễn Hữu Cảnh-Tôn Đức Thắng, Ngã tư An Sương, Ngã tư Bình Phước, Ngã tư Bốn xã. 

(Nguồn: Dự thảo kế hoạch chống ùn tắc giao thông 2011-2015 của UBND TPHCM)

TP sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trung tâm điều hành giao thông hiện đại, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc điều hành giao thông trên địa bàn TP; tiếp tục xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui; rà soát, cải tạo lối đi vào các tụ điểm đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… xây dựng và ban hành quy chế về hạn chế dừng đậu phương tiện giao thông trên đường để chống ùn tắc giao thông.

Ngành chức năng nghiên cứu xây dựng, trình UBND TPHCM xem xét đề án thí điểm thu phí hạ tầng kỹ thuật đối với việc chuyển nhượng, cho thuê nhà đất ở các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang đô thị cũ nhằm điều tiết giá trị lợi nhuận tăng thêm ở các khu này do được Nhà nước quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng. TPHCM phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đưa tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao để xóa các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong khu vực nội đô.

Điều tiết nhu cầu giao thông theo hướng rà soát, sắp xếp lại trụ sở các cơ quan hành chính tại các khu vực trung tâm (cấp thành phố và cấp quận, huyện) với nguyên tắc giảm nhu cầu và cự ly đi lại; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm góp phần tiết giảm bớt việc phải đi lại (cho các công việc liên quan đến thủ tục hành chính) của người dân. Hàng năm rà soát, ban hành danh mục các đoạn đường đã quá tải, hạn chế đăng ký mới các loại hình kinh doanh thu hút nhiều người đi lại, tại đây.

  • Phát triển vận tải công cộng

TPHCM hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng liên thông, cơ bản phủ kín địa bàn, kết nối xe buýt nội thành với vận tải hành khách đường thủy, đường hàng không, đường sắt. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dành quỹ đất cho bến bãi vận tải hành khách công cộng, đặc biệt các bến bãi dành cho xe buýt theo hướng TP đầu tư vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông và các thiết bị khác.

Ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh. Ảnh: KIM NGÂN

Ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh. Ảnh: KIM NGÂN

Sở GTVT đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông của lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt. Trước mắt, xây dựng đề án đổi mới phương tiện xe buýt giai đoạn 2011-2015 để xây dựng được một lực lượng xe buýt mới phù hợp với điều kiện đô thị và đường phố của TPHCM. Hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân bằng cách tổ chức các khu vực, các tuyến đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ.

Bên cạnh đó, từng bước triển khai thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đô thị đối với các phương tiện cơ giới cá nhân. TP nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án thu phí đậu ô tô với mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và có cơ chế quản lý hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như taxi, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy…

AN NHIÊN - THU TUYẾT (ghi)

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015

- Tổng chiều dài đường làm mới: 210km.
- Số cây cầu làm mới: 50.
- Mật độ giao thông đến năm 2015 đạt 1,87km/km2, đến năm 2020 đạt 2,17km/km2.
- Tỷ lệ đất dành cho giao thông đến 2015 đạt 8,18%, đến năm 2020 đạt 12,2%.
- Vận tải hành khách công cộng đến năm 2015 đáp ứng được 12% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2020 đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại.
- Kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắc giao thông.
- Giảm số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 mặt so với năm liền kế trước đó.

(Nguồn: Dự thảo chương trình hành động của Thành ủy TPHCM về giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015) 

Tin cùng chuyên mục