Rác thải

Trong một lần tiếp xúc, một nhà khoa học đang sống ở Đức, đã tâm sự thật tình rằng, người Việt hay đổ lỗi cho ngoại cảnh, đổ lỗi cho tất cả… chỉ mình là không có lỗi. 

Câu chuyện của ông bắt đầu từ chuyến về thăm nhà với sự hoài niệm về một thời thơ ấu thanh bình, trong trẻo. Nhưng thay vì những kỷ niệm đẹp, trong mắt ông chỉ còn đọng những hình ảnh không đẹp về một môi trường bị tàn phá. Cái hồ xưa kia ông còn bì bõm tắm mát tuổi thơ thì nay đã hóa thành cái ao tù đen ngòm, ngập rác.

Nhà khoa học khả kính kết luận, các bạn nghèo cũng phải thôi vì chính các bạn đã tự làm nghèo đi cuộc sống của mình, đừng ta thán về lãnh đạo yếu kém khi chính cá nhân mình có cách sống không vì cộng đồng và thu nhập thấp, chất lượng sống thấp cũng từ mình mà ra. Hãy cứ “tiên trách kỷ…” trước khi phán xét người khác.

Thật ra, chuyện xả rác bừa bãi, bạ đâu vứt đấy không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã trở thành mặc định trong lối sống. Tại TPHCM, đã một thời tiến hành các chiến dịch làm sạch phố phường, kêu gọi và phát các túi đựng rác để phân loại từ nguồn, nhưng rồi tất cả lại vẫn như cũ khi người ta coi đó là chuyện nhỏ, không đáng để tâm. Song chuyện nhỏ ấy để lại hệ lụy không nhỏ, làm sụt giảm GDP cả trong kinh tế lẫn chỉ số hạnh phúc của dân tộc. Nhiều nước đã chuyển sang công nghệ xử lý chất thải với hiệu quả 99% ra phân hữu cơ, hay tạo điện không thải ra khí CO2, còn ta thì quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có đốt và chôn, chôn và đốt.

Đến năm 2021, EU và nhiều nước khác sẽ đoạn tuyệt với việc sử dụng đồ dùng từ nhựa, cho nên nếu chúng ta không thay đổi cách tư duy thì sự tụt hậu sẽ càng gia tăng, và sự có mặt của chúng ta trên “con tàu” 4.0 vẫn còn là dấu hỏi lớn. Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đứng vào hàng tốp thế giới về nhập phế liệu và sử dụng nguyên liệu nhựa.

Cứ hình dung, một người một năm sử dụng khoảng 180 túi nhựa thì số lượng phế thải xài 1 lần cũng đủ lấp đầy một hồ lớn như Hồ Tây ở Hà Nội. Con số thống kê còn cho thấy, để sản xuất 180 túi nhựa đựng đồ này còn cần khoảng 40 lít nước, nên thiệt hại là không thể đo lường được.

Nhưng còn nguy hiểm hơn là loại “rác thải văn hóa” nhan nhản trong cuộc sống thực và cuộc sống ảo. Nếu chất thải nhựa phải cần 140 năm mới phân hủy hết thì chất thải đặc thù này - có tác hại và di căn đến nhiều đời sau. Khi nhà thờ Đức Bà Paris Notre-Dame cháy, ngay trong đêm, nhiều nghệ sĩ trong giới “sâu bít” đã khóc nức nở trên mạng. Tất nhiên, cũng đáng trân trọng tình cảm dành cho công trình mang tính biểu tượng của châu Âu, nhưng có gì đó giả tạo và không thật khi ảo là thật và thật như ảo.

Và càng giả tạo hơn nữa khi giới được cho là “người của công chúng” đã có những hành động phi văn hóa như trường hợp một nam ca sĩ lộng ngôn, hành xử theo kiểu chợ búa với một nữ doanh nhân trên mạng. Hay như các trường hợp “live stream” quay cảnh chửi tục “như hát hay” của một cô người mẫu có tiếng là từng tát một cảnh sát khu vực và chỉ bị tuyên án treo. Đến mức, nhiều người tuyên bố khóa mạng để đỡ chứng kiến những hình ảnh, lời bình phản cảm vô văn hóa.

Và có tiền chưa chắc có văn hóa, vì đó là một phạm trù đặc thù cần sự nuôi dưỡng mỗi ngày, cần sự tự học hỏi, sự sàng lọc cái xấu, cái tốt… Trên hết là phải sống có trách nhiệm, trách nhiệm trước bản thân và xã hội!

Tin cùng chuyên mục