Rác thời công nghệ

Cách đây khoảng 15-20 năm, ai có điện thoại di động là oách lắm. Do không nhiều người sử dụng điện thoại di động nên có khi cả ngày mới nhận được vài ba cuộc điện thoại hay tin nhắn, thế cũng đủ làm người sở hữu điện thoại di động vui lắm rồi.

Cách đây khoảng 15-20 năm, ai có điện thoại di động là oách lắm. Do không nhiều người sử dụng điện thoại di động nên có khi cả ngày mới nhận được vài ba cuộc điện thoại hay tin nhắn, thế cũng đủ làm người sở hữu điện thoại di động vui lắm rồi.

Ngày nay, điện thoại đi động trở thành vật dụng phổ biến vì tính tiện dụng của nó. Từ bác xe ôm, chị lao công đến các đại gia, từ người lớn đến trẻ em... tất cả đều có thể sở hữu và sử dụng điện thoại di động. Chính vì sự phổ biến của điện thoại di động đã dẫn đến những phiền toái cho chủ sở hữu.

Hàng ngày, các thuê bao điện thoại di động nhận không ít cuộc điện thoại không mong muốn từ các công ty bảo hiểm, ngân hàng... rồi hàng loạt tin nhắn mời chào bán hàng, khuyến mãi từ các nhà mạng, công ty địa ốc... và rồi, chẳng biết từ ai, từ bao giờ, những loại tin nhắn này được gọi là tin nhắn rác.

Khách quan mà nói, điện thoại hoặc nhắn tin là kênh thông tin khá tốt để truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến người tiêu dùng với chi phí rất thấp. Tuy nhiên, nó lại gây bực mình với không ít người sử dụng điện thoại di động. Thậm chí có những người bị lừa mất tiền vì những tin nhắn rác.

Vấn đề đặt ra là làm sao để khỏi bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn rác. Các ngành chức năng đã có những biện pháp nhằm hạn chế các loại dịch vụ rác kiểu này nhưng xem ra không hiệu quả. Thậm chí một thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông phụ trách lĩnh vực này còn phải thốt lên mới đây, rằng bản thân ông và các lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên “phải nhận” những tin nhắn kiểu đó.

Việc doanh nghiệp xem đây là kênh thông tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm xem ra là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ ai cung cấp số điện thoại, tên, thậm chí nghề nghiệp, địa chỉ của chủ thuê bao điện thoại di động; việc nhắn tin, điện thoại để quảng bá, giới thiệu, tiếp thị... có vi phạm quy định của pháp luật không, hình thức xử lý ra sao; với những tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan nào sẽ tiếp nhận xử lý...? Hàng loạt vấn đề đặt ra đang chờ cơ quan chức năng có giải pháp.
Với người tiêu dùng, họ chỉ mong sao không phải nhận những cuộc điện thoại, tin nhắn gây phiền toái. Rõ ràng con người được hưởng lợi nhiều trong thời đại công nghệ nhưng kèm theo đó cũng không ít phiền toái mà lý do là bộ máy quản lý, quy định pháp luật vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội.

Sài Gòn Giải phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục