Rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu

Thêm một dấu hiệu rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của Huawei thì lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc này là khách mời của phủ Tổng thống Pháp. Hai bờ Đại Tây Dương còn mâu thuẫn về chi tiêu quốc phòng…
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội chợ VivaTech Paris 2019
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội chợ VivaTech Paris 2019

Từ Huawei…

Theo Reuters, Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu bằng tiếng Anh tại hội chợ công nghệ cao VivaTech Paris sáng 16-5 với tuyên bố “mục tiêu của Pháp không nhằm ngăn chặn Huawei hay bất kỳ một công ty ngoại quốc nào, vì đấy không là phương tiện tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia hay chủ quyền của châu Âu”.

Huawei đang trở thành cái gai trong bang giao giữa Washington và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, đồng thời phản ánh thực trạng trong quan hệ giữa các nước phương Tây với người khổng lồ Trung Quốc. Từ nhiều tháng qua, Chính phủ, Quốc hội Mỹ và cả cơ quan tình báo CIA cũng như các viện nghiên cứu chiến lược tại Washington đồng thanh báo động Huawei là tai mắt của Bắc Kinh để do thám các nước phương Tây, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của châu Âu và Mỹ. Nhà Trắng thậm chí cho rằng Huawei là một mối nguy hiểm đối với an ninh Mỹ.
Viện lý do này, Tổng thống Donald Trump “cấm cửa” con chim đầu đàn của ngành viễn thông Trung Quốc trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đọ sức về thương mại. Không chỉ có vậy, Mỹ còn liên tục hối thúc các đồng minh châu Âu noi gương Mỹ trừng phạt Huawei. Trái lại, ở bên này bờ Đại Tây Dương, các đồng minh thân thiết nhất của Washington là London, Paris hay Berlin đều dửng dưng trước những báo động của Mỹ. Chưa kể là một số nước Đông Âu tiếp tục cho Huawei trang bị mạng 5G.

Chính phủ của ông Donald Trump đặc biệt bực mình vì London vẫn cho phép các tập đoàn viễn thông của Anh dùng trang thiết bị Huawei trong lúc Anh là một trong 5 thành viên của nhóm Five Eyes (gồm Canada, Mỹ, Australia, New Zealand và Anh), tức là một trong những đối tác đặc biệt của Mỹ trong lĩnh vực tình báo. Pháp và Đức không thuộc thuộc nhóm này, nhưng cũng là những đối tác quan trọng của Mỹ. Có thể thấy, cả Berlin lẫn Paris cùng thận trọng, tránh lao vào một “cuộc chiến công nghệ” với Trung Quốc.

…đến công nghiệp quốc phòng

Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bảo vệ kế hoạch cải cách ngành công nghiệp quốc phòng của khối này trước những chỉ trích của Mỹ rằng những cải cách này sẽ loại các đồng minh như Washington khỏi các dự án của châu Âu. Các hãng tin nước ngoài dẫn một bức thư của 2 quan chức cấp cao EU khẳng định khối này “vẫn hợp tác đầy đủ với Mỹ như một đối tác quan trọng nhất trong các vấn đề an ninh và quốc phòng”. Các quan chức này nêu rõ những cải cách của EU chỉ là phản ánh những quy định mà phía Mỹ đã áp đặt, đồng thời nhấn mạnh “cán cân thương mại xuyên Đại Tây Dương hiện hoàn toàn có lợi cho phía Mỹ”.

Mâu thuẫn về chi tiêu quân sự diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Mỹ xấu đi trong một thời gian dài cùng với sự gia tăng những quan ngại rằng sự hợp tác giữa các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể bị đe dọa.

Đầu tháng này, 2 quan chức quốc phòng hàng đầu của chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết một bức thư bày tỏ quan ngại của Washington về khoản ngân sách 13 tỷ EUR (14,6 tỷ USD) trong 7 năm cho Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF), được Nghị viện châu Âu phê duyệt tháng trước, cùng một hiệp ước hợp tác phòng thủ quan trọng của EU, được gọi là Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO). Theo các quan chức này, những dự thảo quy định của EU về EDF cũng như các điều kiện của PESCO “sẽ không chỉ làm hỏng mối quan hệ NATO - EU mà 2 bên đã cùng nhau xây dựng trong nhiều năm qua mà còn tiềm ẩn nguy cơ khơi lại các cuộc tranh luận đã từng gây chia rẽ giữa 2 bên liên quan đến các sáng kiến phòng thủ của EU 15 năm trước đây”.

Tin cùng chuyên mục