Rẻ, mắc

- Một nhà đài nhiều năm trước từng dứt khoát từ chối các chương trình giải trí tào lao. Họ tập trung đầu tư nhiều cho các chương trình bổ ích như sức khỏe, giáo dục, hoạt động thực tế. Nhưng vài năm gần đây, cũng nhà đài ấy lại quay ngoắt, phát sóng dày đặc các “món” giải trí quá... mặn.
- Chắc họ có sẵn nhiều muối nên nêm nếm quá tay?

- Người thạo chuyện nói là nhà đài phải kiếm doanh thu, nên cố công tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất. Nhưng gọi là hợp tác trên danh nghĩa, còn thực tế thì nhà đài khoán trắng để thu tiền theo tỷ lệ thỏa thuận giữa hai bên. Nhà sản xuất chỉ quan tâm đến những chương trình giải trí mì ăn liền để dễ bề thu hút quảng cáo.

- Và khán giả bội thực với sóng giải trí quá nhiều à?

- Họ phải xem quá nhiều thứ ông nọ bà kia, vẽ tranh bằng mông, hoặc bươi đời tư để bán sóng. Chẳng hạn gần nhất, một chương trình có tên “Hào quang” lại bày ra nhiều bóng tối. Các chi tiết tổn thương của người này trở thành đề tài đàm tiếu của người kia. Đến niềm đau cũng bị mang ra bán, nên nhiều người bất bình.

- Đã giải trí theo kiểu câu khách, thì ắt nỗi khổ của người này sẽ ngay lập tức trở thành tiền bạc của người khác. Khi chỉ chăm chăm khều lợi nhuận, nhiều giá trị sẽ bị coi rẻ. Mà đã rẻ tình người thì phải trả giá mắc về lòng tin.

Tin cùng chuyên mục