Rèn ý thức bảo vệ môi trường

Để Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về việc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” đi vào cuộc sống, đang có nhiều giải pháp được thực hiện. Trong đó, một giải pháp quan trọng là xây dựng ý thức bảo vệ môi trường. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến, góp ý về việc này.

Người lớn phải làm gương

Hiện nay, bên cạnh các thanh thiếu niên nhiệt thành hưởng ứng cuộc vận động không xả rác, hạn chế rác thải nhựa, vẫn còn nhiều bạn trẻ cứ vô tư xả rác nơi công cộng. Phải thẳng thắn nhìn nhận đó là do lỗi của người lớn, chưa dạy bảo và làm gương cho con em trong việc thể hiện nền nếp văn hóa, văn minh khi ứng xử với môi trường.

Có khi cha mẹ và cả giáo viên chưa nghiêm khắc với mình để làm gương cho học sinh. Chẳng hạn, có khi thấy rác, thầy cô chưa chủ động nhặt và bỏ đúng chỗ mà thường chỉ nhắc học sinh thực hiện, còn mình chỉ giám sát. Giữa bài học và thực tế, giữa lý thuyết và thực hành dường như có khoảng cách không nhỏ.

Rèn ý thức bảo vệ môi trường ảnh 1 Các thanh thiếu niên tham gia vận động hạn chế rác thải nhựa

Từ thực trạng đó, cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh các bậc học. Ngành giáo dục và nhà trường phải thực sự quan tâm đến nội dung này trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trong giảng dạy và trong sinh hoạt, trong kiểm tra, đánh giá và trong thực hành thường xuyên.

Mỗi trường nên tiến hành tổng vệ sinh toàn trường, trồng mới cây xanh, hoa kiểng và chăm sóc đúng cách, huy động sự tham gia của học sinh theo điều kiện cho phép. Cần chú ý phê bình hành vi chưa tốt về vệ sinh môi trường, chú ý biểu dương các hành động đẹp, nhất là nên khen thưởng cho học sinh có những cách làm hay.

Xem xét đưa nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường vào đánh giá hạnh kiểm, nhất là nhằm nhắc nhở những học sinh thường xuyên có hành vi chưa tốt. Nhà trường và giáo viên phải chú trọng công tác này để tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của học sinh, đủ sức thay đổi hành vi một cách rõ rệt và từ đó tác động ngược đến người thân trong gia đình của các em.

TRÚC GIANG, quận 3, TPHCM

Dạy trẻ sống có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng

Mỗi chiều tôi thường đi bộ tập thể dục ở một công viên nhỏ có bồn hoa, ghế đá, máy tập thể dục miễn phí dành cho mọi người. Nhiều trẻ nhỏ được cha mẹ cho ra đây để vui chơi. Ngày trước, khi nơi đây chưa có thùng rác, nhiều người vẫn có thói quen bỏ lại rác thải, vỏ hộp đựng đồ ăn, túi ni lông, giấy... ngay tại chỗ ngồi, dưới chân ghế đá. 

Khoảng một tháng nay, nơi đây được lắp đặt nhiều thùng rác công cộng, thế nhưng vẫn có người không bỏ rác vào thùng. Lẽ ra chính những người lớn dẫn trẻ đi cùng, khi thấy trẻ ăn uống xong mà không thu dọn rác thì phải nhắc nhở, dạy bảo trẻ về việc xả rác bừa bãi nơi cộng cộng là không tốt, để trẻ không làm như vậy nữa.

Việc giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường sống thông qua hành động không xả rác bừa bãi sẽ tạo thành nền nếp cho trẻ và khi lớn lên, ý thức ấy sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời. Thật buồn là nhiều phụ huynh lơ là, coi chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng là chuyện nhỏ nhặt, nên thường bỏ qua.

Sự hình thành nhân cách sống của con trẻ phải bắt đầu từ khi còn nhỏ và từ những việc làm, hành động có ý thức trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Muốn trẻ làm theo những lời dạy bảo của mình thì người lớn phải gương mẫu không bao giờ xả rác nơi công cộng.

THẠCH BÍCH NGỌC, Đại học Quốc gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục