Rối rắm thủ tục đóng tàu theo Nghị định 67

Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” triển khai từ tháng 7-2014 trong sự háo hức của nhiều ngư dân để đóng tàu vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Song quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều rối rắm về thủ tục giấy tờ, đặc biệt là vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép bị gỉ sét, hư hỏng nặng tại các tỉnh miền Trung thời gian qua khiến nghị định này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Rối rắm thủ tục đóng tàu theo Nghị định 67 ảnh 1 Hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại Bình Định bị hư hỏng nằm bờ chờ sửa chữa
 Vững chãi vươn khơi xa 
Con tàu chở chúng tôi giảm tốc độ còn khoảng 5 hải lý/giờ để tiếp cận mục tiêu “có mồi” sau gần một ngày xuất phát từ cảng Thuận An.  Ở cabin tàu, thuyền trưởng cũng là chủ tàu Trần Dũng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) hồ hởi: “Tàu 67 đánh bắt xa bờ đều được trang bị máy tầm ngư, rồi đến máy dò ngang, có nhiều ngư lưới cụ như lưới rê, lưới ba cao lườn, vây rút chì... nên chuyện đánh bắt được mẻ lưới, thu hàng chục triệu đồng không còn chuyện lạ”. 
Tàu cá TTH.99996.TS của ngư dân Trần Dũng là con tàu vỏ thép thứ 3 tại Thừa Thiên - Huế đóng mới theo Nghị định 67. Tàu thực hiện theo mô hình “Chìa khóa trao tay” trị giá 18,4 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư bỏ vốn 5%, còn lại ngân hàng hỗ trợ vay vốn 95%. “Tàu đóng mới theo Nghị định 67 có trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải, liên lạc, đánh bắt, hầm chứa hiện đại nên cá tôm luôn tươi ngon, có giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với phương thức bảo quản tàu cá truyền thống”, ông Trần Dũng nói.
Trở về đất liền sau gần 20 ngày đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa trên tàu vỏ gỗ công suất trên 700CV, ngư dân Hồ Minh Tiến ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) khoe, chuyến biển này đánh bắt được 2 tấn cá thu và gần 1 tấn cá ngừ và cá các loại. Ông Tiến cho biết thêm, từ khi hạ thủy đến nay, tàu đã vươn khơi 8 chuyến, chỉ bị hư hỏng nhẹ, tự khắc phục trên biển nên đem lại thu nhập tương đối ổn định. Trung bình mỗi chuyến biển (khoảng 20 ngày) ông Tiến thu về 600 - 700 triệu đồng, trừ các chi phí, trả gốc, lãi ngân hàng ông Tiến còn tiết kiệm được trên dưới 100 triệu đồng.
Không chỉ tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình vận hành, tính ổn định tốt, giúp việc đánh bắt và sinh hoạt thuyền viên thuận lợi, tàu cá đóng theo Nghị định 67 còn có kết cấu tàu vững chắc, có khả năng chịu va đập, sóng gió đi với tốc độ cao nên vững chãi vươn khơi xa dài ngày, đến với những ngư trường lớn. Khảo sát cho thấy, phần lớn tàu cá đóng theo nghị định 67 có thể đánh cá trên 20 ngày/chuyến đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
Sớm gỡ những bất cập
Bộ NN-PTNT cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Song quá trình thực hiện Nghị định 67 cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, như chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá... Oái oăm nhất là hơn 40 tàu của ngư dân bị hỏng, trong đó nghiêm trọng nhất là 19 tàu ở Bình Định khiến các chủ tàu rơi vào tình cảnh điêu đứng nợ lần. 
Tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNT và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức mới đây, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, vốn đối ứng ngư dân đăng ký tham gia đóng mới tàu rất lớn, với tàu vỏ gỗ đối ứng là 30%, với tàu vỏ thép, vật liệu mới là 5% (tàu vỏ thép có tổng mức đầu tư phổ biến là 15-16 tỷ đồng và tàu gỗ từ 7-9 tỷ đồng).
Có trường hợp, ngư dân phải bán cả tàu cá hiện có làm vốn đối ứng để được vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 nhưng bất thành; một số tàu cá công suất máy từ 90 CV trở lên được Chi cục Thủy sản cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ đã mua bảo hiểm tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 nhưng khi tàu gặp sự cố rủi ro, xảy ra tai nạn trên biển lại không được giải quyết bồi thường với lý do tàu bị nạn ở vùng biển hạn chế cấp II. Đồng thời, cũng không giải quyết bồi thường đối với trường hợp công ty thẩm định máy móc hư hỏng do hao mòn tự nhiên, gây bức xúc cho ngư dân… 
Ngư dân Đinh Công Khánh (Bình Định) là chủ tàu BĐ 99086 TS cho biết, sau khi đăng ký vay theo Nghị định 67, ông chọn công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu.
“Ngày 20-9-2016, tôi đưa tàu ra Trường Sa để khai thác thì xảy ra sự cố: Hầm đá bị ứ nước, toàn bộ đá lạnh hỏng sạch không thể giữ lạnh cho cá. Về lại bờ, tôi gọi ngay cho Công ty Nam Triệu đề nghị kỹ sư vô khắc phục. Họ sửa chữa mất 1 tháng. Tới mùa mưa bão thì tôi đành để tàu nằm bờ. Ngày 16-3-2017, tôi cùng bạn thuyền chuẩn bị các nhu yếu phẩm ra khơi. Nhưng tàu chạy ra 10 hải lý thì máy bị hỏng, chạy vào cảng Đề Gi nằm bờ tới bây giờ. Để “chữa bệnh” cho tàu, trước đây, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng nay cũng bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng liên tục đòi nợ vì đã quá hạn nên cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa”, ông Khánh bức xúc nói.
Qua tìm hiểu, hai “lỗ hổng” lớn nhất dẫn đến các sự cố hư hỏng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 là hợp đồng đóng tàu giữa ngư dân với nhà máy và việc giám sát quá trình đóng tàu. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết: “Đóng tàu trị giá hàng chục tỷ đồng mà khi hợp đồng thì ngư dân không hiểu nhiều về pháp lý, nên họ gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt, các cơ sở đóng tàu vỏ thép đều ở ngoài địa bàn Bình Định, vì vậy khó cho ngư dân tiếp cận, lựa chọn cơ sở đóng tàu và kiểm tra, giám sát việc đóng tàu”. 
Trong khi đó, ông Lê Phước Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty CP đóng tàu Thiên Hậu Phước, cho biết, cái khó trong đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 là những mẫu tàu hiện nay không phù hợp với thói quen hành nghề của ngư dân miền Trung. Do đó, sau khi chọn mẫu tàu xong, ngư dân phải thuê đơn vị thiết kế cải tiến mẫu tàu cho phù hợp để Trung tâm Kiểm định tàu cá của Bộ NN-PTNT phê duyệt rồi mới thi công. Ngoài ra, việc kiểm định khối lượng và tiến độ để ngân hàng giải ngân lại mất thêm thời gian gần 1 năm so với việc đóng 1 con tàu vỏ thép bình thường, dẫn đến chậm tiến độ và giảm hiệu quả đầu tư.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn nhìn nhận, Nghị định 67 là chủ trương lớn, mang tính đột phá, nhưng quá trình thực hiện đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Các ngành chức năng phải tăng cường giám sát quá trình đóng tàu; rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản để đảm bảo được nguồn lợi thủy sản; đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đồng bộ; và khắc phục những hạn chế về chính sách tín dụng; bảo hiểm tàu cá. Đặc biệt, phải đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc  thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra tàu cá của Nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân”, ông Lại Xuân Môn phân tích.

Tin cùng chuyên mục