Rục rịch lũ muộn

Sau những tháng ngày ngóng chờ, hiện người dân các xã biên giới thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp, An Giang ở ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Công đã đổ về...
Cá linh non ra chợ hiện có giá 150.000 đồng/kg
Cá linh non ra chợ hiện có giá 150.000 đồng/kg

Phấn khởi đón lũ

Mặc dù nước lũ về trễ hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm trước, nhưng mực nước ở các huyện đầu nguồn của 2 tỉnh trên bắt đầu lên nhanh vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch. Niềm vui trở lại khi người dân địa phương bắt đầu mưu sinh mùa lũ. Tìm về những xã biên giới của huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, chúng tôi men theo vành đai biên giới của ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B - nơi người dân sống “phụ thuộc” vào con nước; dùng các vật dụng như lưới, dớn, lợp, lờ, lú... khai thác sản vật từ lũ.   

Chỉ tay qua bờ sông bên kia, chú Út Xớt, cho biết, từ mé đê đó trở về sông bên đây thuộc địa phần Đồng Tháp, còn triền đê đó thuộc vùng biên giới Campuchia. Trên căn nhà sàn lộng gió, nằm giữa ruộng nước mênh mông, bên dưới là mực nước lé đé, đã “leo” lên những cột nhà sàn, chú Út tất bật bắt chì cho những tay lưới ba màn chuẩn bị khai thác thủy sản. Năm nay, chú Út chuẩn bị 10 - 15 tay lưới, mỗi tay dài 50m, khoảng 700-800m lưới. Chú bảo, năm rồi tầm tháng 8 làm ăn được lắm, ngày kiếm khoảng 400.000 đồng, do nước về từ tháng 7; năm nay tháng 8 nước mới về nên chưa có cá lớn, giờ chuẩn bị vài tay lưới để cuối tháng này “khai trương”.

Biết ông Tư Mong kế bên sống bằng nghề đặt dớn, chúng tôi xin theo trải nghiệm. Buổi sáng, ngồi trên xuồng, cùng ông Tư chống sào qua mấy dạt đồng, thăm mấy cái dớn đã đặt hôm trước. Lượng cá cũng không nhiều, có đủ loại cá linh non, lòng tong, sặc, rô non… Ông Tư cho biết, nước mới về nên cá linh non chưa nhiều - nếu có, cân cho bạn hàng cũng được tầm 50.000 đồng/kg, còn các loại cá khác thì bán cá phân làm thức ăn cho các lóc bông, cũng giá khoảng 7.000 đồng/kg. Chừng 10 ngày qua, ông Tư lai rai mỗi ngày cũng kiếm cỡ trăm ngàn đồng... Dò giá ở chợ Trung tâm Thường Thới Tiền, chợ Cả Sách, mới biết cá linh non móc sạch ruột được bạn hàng bán 150.000 đồng/kg, trong khi năm rồi chỉ 120.000 đồng/kg.

Lũ năm nay thấp hơn nhiều năm 

Ghi nhận của phóng viên tại các xã biên giới Hồng Ngự, mực nước nội đồng đã lên rất nhanh. Đài Khí tượng- thủy văn tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, khoảng 10 ngày qua, mực nước tại khu vực đầu nguồn của tỉnh đã tăng với cường suất khoảng 4cm/ngày, mực nước khu vực nội đồng ít biến đổi, mực nước khu vực phía Nam xuống theo triều.

Cụ thể, mực nước cao nhất đến ngày ngày 8-9 tại các nơi ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,8- 1,2m và thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 0,2-0,7m.

Mực nước cao nhất thực đo ngày 8-9 tại Tân Châu là 285cm, thấp hơn 120cm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 74cm so với trung bình nhiều năm. Còn tại Cao Lãnh, mực nước là 140cm, thấp hơn 81cm so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 20cm so với trung bình nhiều năm. Trường Xuân mực nước là 123cm, thấp hơn 92cm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 36cm so với trung bình nhiều năm.

Giám đốc đài Khí tượng- thủy văn tỉnh Khương Lê Bình nhận định: Khoảng 7 ngày tới, dự báo mực nước đầu nguồn tiếp tục lên với cường suất 4-6 cm/ngày, mực nước nội đồng lên dần với cường suất 2-4 cm/ngày, mực nước khu vực phía Nam của tỉnh lên theo triều với cường suất 5-7 cm/ngày. Nhìn chung đến giữa tháng 9-2019, mực nước các nơi trong tỉnh Đồng Tháp ở mức báo động I.

Đến ngày 15-9, mực nước cao nhất tại Tân Châu là 350cm, thấp hơn 52cm so với cùng kỳ năm ngoái; Cao Lãnh 190cm, thấp hơn 28cm so với cùng kỳ năm ngoái; Trường Xuân 145cm, thấp hơn 85cm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đỉnh lũ sẽ đạt vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Dù vậy, ông Khương Lê Bình khuyến cáo người dân sống ngoài đê bao, nếu đê bao hiện tại của bà con còn cách mặt nước khoảng nửa mét thì nên thu hoạch hoa màu sớm để tránh thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục