Rủi ro giao thương rình rập doanh nghiệp

Thống kê nhanh của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, trong năm 2018, VIAC đã tiếp nhận 180 vụ tranh chấp với tổng giá trị tranh chấp 9.400 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, VIAC cũng đã tiếp nhận hàng trăm vụ tranh chấp liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của các doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế. Trong tiến trình hội nhập, song hành với cơ hội DN “vươn ra biển lớn” thì rủi ro cũng luôn tiềm ẩn. 
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát, xúc tiến các hoạt động quảng bá du lịch tại Việt Nam
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát, xúc tiến các hoạt động quảng bá du lịch tại Việt Nam

Đủ chiêu trò lừa đảo

Bộ Công thương vừa phát đi cảnh báo của Thương vụ Việt Nam tại Nigeria về việc một số DN trong nước khiếu nại các DN Nigeria, Cameroon, Togo lừa đảo. Trong đó bao gồm lừa đảo về đấu thầu, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, xuất khẩu gỗ, ký nhiều hợp đồng xuất khẩu nhưng chỉ giao một vài hợp đồng đúng hạn… Chẳng hạn, đối với thủ đoạn lừa đảo nhập khẩu hàng hóa, các đối tượng thông báo có đơn hàng nhập khẩu trị giá 1 - 2 triệu USD và thường chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá. Sau đó, đề nghị DN xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới hoặc trả chi phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư các loại với mức khoảng 1% - 2% trị giá lô hàng, rồi chiếm đoạt.

Hoặc trường hợp đối tác lừa đảo ký nhiều hợp đồng xuất khẩu nhưng chỉ giao một vài hợp đồng đúng hạn. Các đối tượng này thường ký với DN Việt Nam từ 5 - 10 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, nhiều nhất là gỗ. Sau đó thực hiện giao 1 - 2 hợp đồng đúng hạn, chất lượng tốt để tạo sự tin tưởng của đối tác, nhưng từ hợp đồng thứ 3 trở đi, đối tượng lừa đảo yêu cầu DN Việt phải chuyển tiền đặt cọc 30% - 50% trị giá hợp đồng rồi chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng. 

Ngoài ra, tình trạng DN bị mất hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn USD khi giao dịch thương mại với đối tác cũng không phải câu chuyện mới. Ví dụ như trường hợp một DN thủy sản Việt Nam bị đối tác Canada lừa đảo, chiếm đoạt lô hàng trị giá hàng trăm ngàn USD (từng được báo chí phản ánh) do chủ quan khi ký kết hợp đồng. Hoặc một DN mía đường Việt Nam bị đối tác “xù nợ” 50 tỷ đồng.

Theo VIAC, khoảng 50% vụ tiếp nhận tại đây đều liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa. Tại một cuộc họp do VIAC phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức, luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, đã dẫn chứng một vụ việc điển hình: DN Việt Nam hợp đồng mua sắt thép ở Nga, đến khi nhận hàng mới phát hiện chất lượng thép không đạt chuẩn. Để bảo vệ quyền lợi, DN phía Việt Nam yêu cầu ngân hàng áp dụng biện pháp tạm thời ngưng thanh toán tín dụng thư cho bên bán hàng. Tuy vậy, kết quả phán quyết của tòa án nước ngoài yêu cầu DN Việt bồi thường hợp đồng đã ký với mức 10 triệu USD, trong khi khoản tiền tạm ngưng thanh toán chỉ… 1 triệu USD.

Lý giải mức bồi thường “khủng” này, bên bán mặt hàng thép cho biết, phía DN Việt Nam không thanh toán tiền hàng dẫn đến họ phải vay ngân hàng xoay dòng vốn, cộng gộp các khoản “lãi mẹ, lãi con” và cả số tiền ban đầu ra được 10 triệu USD. 

Thỏa thuận trọng tài thường được thể hiện dưới dạng một điều khoản trọng tài trong hợp đồng, cần ghi chính xác các vấn đề luật áp dụng (cho thỏa thuận trọng tài, cho nội dung vụ tranh chấp), tránh viết những nội dung khiến cho thỏa thuận trọng tài bị “khuyết tật”, bị lỗi...
Ví dụ, trong thỏa thuận trọng tài ghi luôn là chọn một trọng tài viên, hội đồng trọng tài gồm 3 người với tên cụ thể là A, B, C. Thế thì, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hội đồng trọng tài gồm 3 người trên, nhưng đến khoảng hơn 1 năm sau tranh chấp phát sinh và người A không còn sống chẳng hạn, thỏa thuận trọng tài thuộc nhóm không thể thực hiện được. Hoặc cũng có tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, như thỏa thuận trọng tài chọn một tổ chức A nhưng lại chọn quy tắc tố tụng của tổ chức B - cũng là “khuyết tật”; khi tranh chấp phát sinh lại phải vận dụng điều khoản và các quy định pháp luật để “nắn” lại, dẫn đến những rủi ro nhất định.
“Tốt nhất là khi DN thấy được tính ưu việt của trọng tài thì hãy lên website của các trung tâm trọng tài tham khảo, chép vào trong hợp đồng tạo thành các điều khoản trọng tài của mình và có thể tạm yên tâm nếu trường hợp chẳng may tranh chấp phát sinh”, ông Phan Trọng Đạt lưu ý.

Giao kết kinh doanh an toàn 

VIAC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có phát sinh tranh chấp với Việt Nam liên quan đến các hợp đồng ngoại thương. Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, đánh giá việc ký kết cũng như thực hiện hợp đồng của DN không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, mà luôn tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, thậm chí ngay cả những bạn hàng thân thiết. Chỉ ra các lỗi phổ biến khi giao kết hợp đồng, ông Châu Việt Bắc lưu ý, DN nên nhờ luật sư tư vấn trong quá trình soạn thảo hợp đồng, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Thêm nữa, DN cũng cần đưa điều khoản trọng tài vào trong hợp đồng khi chẳng may phát sinh tranh chấp, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho chính các DN... 

Trao đổi thêm về việc sử dụng phương thức trọng tài, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC, cho biết về lý thuyết, sau khi tranh chấp phát sinh thì các bên có thể cùng nhau ký thỏa thuận đưa tranh chấp đã phát sinh đó ra trung tâm trọng tài để giải quyết. Nhưng việc đó thường khó, vì khi tranh chấp phát sinh, các bên thường mâu thuẫn, khó ngồi lại với nhau để thỏa thuận. VIAC khuyến nghị nên có sẵn điều khoản trọng tài trong hợp đồng.

Nội dung điều khoản ghi như sau: “Chẳng may tranh chấp phát sinh thì một bên có quyền khởi kiện ra trọng tài tại VIAC”. Với điều khoản giải quyết tranh chấp ghi sẵn như thế, khi tranh chấp phát sinh, một bên khởi kiện và bên kia không thể khước từ, buộc phải là bị đơn của vụ tranh chấp. Còn nếu bị đơn không tham gia, thì theo quy định pháp luật về trọng tài, hội đồng trọng tài hoàn toàn có thể xử vắng mặt và họ sẽ bị thiệt thòi. Khuyến nghị ở đây là bên bị đơn cũng nên tham gia. 

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TPHCM, nhìn nhận rằng việc DN “ma” lừa đảo DN làm ăn chân chính là “lỗ hổng” trong thời kỳ hội nhập, khiến DN Việt thiếu cảnh giác rất dễ vướng “bẫy”. Thực tế cho thấy, hội nhập sâu rộng mở ra cơ hội lớn cho tất cả các DN trong nước nhưng rủi ro cũng luôn chực chờ. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời khuyên đối với DN rằng, nên thận trọng khi làm ăn với đối tác nước ngoài. Việc chủ quan, chưa thẩm tra năng lực của đối tác, “non” kinh nghiệm… đều có thể phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Nắm chắc thông tin đối tác trước khi ký hợp đồng

(SGGP).- Gần đây, thương vụ Việt Nam tại một số nước liên tục phát đi cảnh báo về việc DN bị lừa đảo. Điển hình như vụ DN bị lừa khi xuất hàng qua Canada, Pakistan… Ngay sau khi DN Việt chuyển tiền qua ngân hàng, công ty này đã rút toàn bộ số tiền đặt cọc, cắt đứt mọi liên lạc có liên quan. Đáng chú ý, những công ty lừa đảo đều có quan hệ làm ăn, đối tác với DN bị hại. Thủ đoạn thường dùng là tạo dựng niềm tin cho DN bị hại, đến khi quen biết (ký kết thành công 2 - 3 hợp đồng), đối tượng lừa đảo mới hiện nguyên hình khiến DN trong nước bị “sụp hố”. 

Thêm nữa, DN lừa đảo còn trưng ra các địa chỉ “ma”, mạo danh công ty kinh doanh hợp pháp (tại Canada, Pakistan…), làm giả chứng từ để lấy tiền đặt cọc trước 30% - 50% giá trị hợp đồng đơn hàng của khách. Thương vụ lần theo số điện thoại liên lạc, địa chỉ giao dịch thì phát hiện đều không có thực, hoặc nếu có thì cũng không phải là chủ nhân thực sự của hợp đồng với DN Việt Nam. Trước thực trạng này, các thương vụ khuyến cáo DN Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet… Những mặt hàng được chào bán chủ yếu gồm hàng thực phẩm, tiêu dùng, máy móc hoặc thiết bị cũ, hàng thủy sản… vì có giá trị cao. Trong trường hợp được chào mời các đơn hàng lớn, nhưng thấy không đủ thông tin về đối tác, DN trong nước có thể liên hệ trực tiếp với thương vụ Việt Nam ở nước sở tại để được trợ giúp, gồm sự tồn tại, tính hợp pháp của đối tác, cũng như các rủi ro khách có thể gặp phải…

PHƯƠNG UYÊN 

Tin cùng chuyên mục