Rừng cao su hát

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, tôi có nhiều dịp ngược xuôi miền Đông Nam bộ, nhất là tỉnh Sông Bé (nay đã chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Nơi này, cây cao su đã bén rễ đất đỏ bazan màu mỡ cả trăm năm, dâng cho đời dòng nhựa trắng, làm nên thương hiệu của cả người và đất. Bánh xe quay giữa hai triền cây cao su khỏe mạnh, bạt ngàn, hun hút tầm mắt. Nắng cũng xanh và gió cũng xanh, khiến con đường như ngắn lại. Ẩn hiện trong tán lá dày là những thị trấn, làng công nhân mới sầm uất…
Rừng cao su hát

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, tôi có nhiều dịp ngược xuôi miền Đông Nam bộ, nhất là tỉnh Sông Bé (nay đã chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Nơi này, cây cao su đã bén rễ đất đỏ bazan màu mỡ cả trăm năm, dâng cho đời dòng nhựa trắng, làm nên thương hiệu của cả người và đất. Bánh xe quay giữa hai triền cây cao su khỏe mạnh, bạt ngàn, hun hút tầm mắt. Nắng cũng xanh và gió cũng xanh, khiến con đường như ngắn lại. Ẩn hiện trong tán lá dày là những thị trấn, làng công nhân mới sầm uất…

Bình Long vào mùa nhựa mới

Thị trấn Bình Long ngổn ngang, bề bộn như một công trường đang thời kỳ thi công nước rút. Nơi này giàn giáo tua tủa của những ngôi nhà đang lên tầng. Nơi kia tiếng máy ủi gầm gừ san đồi mở mặt bằng mới… Cái thị trấn miệt rừng mà có thời đã là tỉnh lỵ của một tỉnh, sau “mùa hè đỏ lửa 1972” đã bị bom đạn tàn phá nặng nề. Giải phóng miền Nam, mặc cho nhiều huyện, thị khác cùng tỉnh Sông Bé nhanh chóng hồi sinh, phát triển, Bình Long vẫn chậm chạp ở tốp sau. Mãi đầu năm 1990, khi cây cao su lên hương, Bình Long mới bừng tỉnh, mở cuộc chạy đua nước rút, giành lại thời gian tự mình đánh mất.

Chúng tôi đến Công ty Cao su Bình Long, Giám đốc Nguyễn Văn Sao - anh em ở đây vẫn gọi thân mật là ông Năm Sao - cởi mở đón tiếp, kể về cây cao su. Trước khi chia tay, ông Năm Sao mời sáng mai chúng tôi đến, ông sẽ trực tiếp đưa xuống các nông trường để tận mắt thấy cây, thấy nhựa, thấy đời sống của công nhân cao su Bình Long.

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi thực địa, ông Năm Sao đưa chúng tôi vào thăm Xí nghiệp Cơ khí - chế biến của công ty. Tiếp đoàn là vị giám đốc mới ngoài tuổi 30, gốc gác Quảng Bình. Anh bật mí cho biết: “Ngày mới tiếp nhận nhà máy chẳng khác gì một đống sắt vụn, bởi sau “mùa hè đỏ lửa 1972”, các ông chủ sợ bom đạn ác liệt ở Bình Long đã bỏ của chạy lấy người. Hơn 3 năm ngừng hoạt động, không bảo dưỡng, máy móc đã han gỉ hết. Mãi đến năm 1990, khi lượng mủ thu hoạch được của công ty vượt 30.000 tấn/năm, nhà máy chế biến mới được đầu tư xây dựng lại. Vẫn dàn máy móc cũ, nhưng những người thợ đã có nhiều sáng tạo khi phục hồi lại. Đến năm 1992 thì chính thức đi vào hoạt động với công suất chế biến 5.000 tấn/năm, sản phẩm đạt chất lượng”.

Rừng cao su tuổi lên mười.

Chúng tôi ghé thăm cả hai xưởng cơ khí và chế biến. Ở xưởng nào cũng gặp tinh thần làm việc cần mẫn, đầy trách nhiệm của anh em công nhân. Vừa đi, ông Năm Sao vừa cho biết, năm tới công ty đã lên dự án đầu tư 13 tỷ đồng để lắp 2 dàn máy mới có công suất 15.000 tấn/năm, chế biến được các sản phẩm có chất lượng cao, có thế mới nâng được giá thành… Trước mắt tôi như đã hiển hiện ra một nhà máy mới, thay cho cái nhà máy cổ lỗ.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với Nông trường Quản Lợi, cách Xí nghiệp Cơ khí - chế biến khoảng 20km. Xe bon bon trên đường nhựa phẳng lì, bất chợt tôi liên tưởng, chỉ mới 12, 13 năm trước, miền cao su còn ngập chìm trong khó khăn. Đất không nuôi nổi người, người không yêu đất nữa. Có người chặt bỏ cây cao su, trồng mì, trồng bắp sống đắp đổi qua ngày. Vậy mà hôm nay, khi có chính sách khoán, nông trường viên được làm chủ mảnh vườn của mình, miền cao su lột xác diệu kỳ, phồn thịnh theo dòng sữa đất dâng lên dào dạt.

Mải nghĩ suy, Nông trường Quản Lợi đã ở ngay trước mặt, trụ sở nông trường vừa mới xây dựng xong chưa lâu, khá khang trang. Vây bốn phía là những vườn cây cao su đã đủ tuổi khai thác, cành lá xanh biếc, lao xao trong gió. Trụ sở vắng hoe, chỉ có kế toán trưởng Nguyễn Phi Hùng và một nhân viên hành chính. Anh Hùng thông báo với Năm Sao: “Anh xuống không báo trước, lãnh đạo nông trường tỏa đi các đội kiểm tra sự chuẩn bị vào mùa cạo mới hết rồi”. Anh Năm Sao cười cởi mở, cần gì đón tiếp, lãnh đạo nông trường sâu sát đội như thế là tốt, đáng biểu dương.

Khi tôi hỏi khả năng của cây trong mùa cạo sắp tới năng suất có vượt năm trước không? Anh Hùng phấn khởi trả lời: “Anh cứ nhìn những thân cây tròn căng, mập mạp thế kia sẽ tin ngay vào sản lượng năm nay nông trường chúng tôi sẽ hơn năm trước ít nhất cũng trăm tấn…”. Anh Năm Sao gật đầu xác nhận những gì anh Hùng vừa nói là hoàn toàn nằm trong tính toán.

Chiều cùng ngày, đoàn chúng tôi đến với Nông trường Đồng Nơ, nông trường ở xa công ty nhất. Vượt qua nhiều con dốc dài, hai bên đường vẫn bạt ngàn vườn cây cao su trẻ, già đan xen. Nhiều nhà cửa được dựng lên trong những khu vườn. Hỏi anh Năm Sao, anh giải thích: “Hiện nay công nhân cao su không còn sinh sống tập trung nữa, đa số các gia đình đã có một khu đất riêng của mình, họ dựng nhà ở đó, trồng cây trái lưu niên, tạo thêm thu nhập”.

Anh Năm Sao cho biết thêm: “Một kế hoạch nhà bán kiên cố cho công nhân từ nay đến năm 2000 đang thực hiện, chúng tôi triển khai đầy hiệu quả ở tất cả các nông trường thuộc Công ty Cao su Bình Long. Phải tạo an cư cho người công nhân lập nghiệp, có thế họ mới gắn bó hết cuộc đời mình với cây, với đất…”. Tôi bất giác nhớ tới lời nói của người giám đốc già, đã gắn bó cuộc đời mình với cây cao su ngày hôm qua: “Công nhân có giàu thì công ty mới mạnh được”. Vượt thêm một con dốc dài dằng dặc, lên tới đỉnh, anh Nam Sao nói: “Vườn cao su của Nông trường Đồng Nơ bắt đầu từ đây”.

Thú thật, đã nhiều lần tôi đi trong rừng cao su, nhưng chưa ở đâu tôi bắt gặp được cái đẹp đê mê như cánh rừng cao su trước mặt. Một màu xanh miên man, tít tắp đến tận chân trời. Những hàng cây vào mùa mủ mới căng đầy sức sống. Cây nối cây, rừng nối rừng làm cho con đường vào Nông trường Đồng Nơ như ngắn lại. Chưa cần vuốt ve từng cây một, tôi cũng hiểu vì sao năm qua Nông trường Đồng Nơ đã có năng suất cao nhất công ty.

Đồng Phú mở rộng vườn cây

Vài tháng sau, đã qua mùa nhựa mới, tôi cùng anh Nguyễn Tiến Đường, một cây bút thơ gạo cội của tỉnh Sông Bé trước đây, lại rong ruổi về với miền cao su. Địa chỉ mà chúng tôi tìm đến: Công ty cao su Đồng Phú. Tôi đi là để lấy tư liệu viết tiếp mạch bài về người và đất miền vàng trắng, còn anh Nguyễn Tiến Đường thì đi tìm thi tứ mới lạ.

Đến thị trấn huyện lỵ Đồng Phú, nơi Công ty Cao su Đồng Phú đóng trụ sở, chúng tôi tạt vào một quán giải khát ven đường uống nước. Trò chuyện với bà chủ quán vui tính, khi tôi đưa ra nhận xét: “Thị trấn này lớn lên nhanh quá, mới ngày nào mái tranh, vách gỗ mà bây giờ đã nhà lầu san sát bán buôn sầm uất…”, tôi nghe được những lời giãi bày mộc mạc: “Thị trấn này thay đổi như vậy, phần lớn là nhờ vào đời sống người công nhân cao su trong huyện ngày một khá hơn. Các anh biết không, dạo giáp tết vừa rồi, các tiệm điện tử, tiệm vàng đã có chuẩn bị từ trước, nhập về nhiều tivi, vàng miếng… vậy mà vẫn không đủ hàng bán cho công nhân cao su. Sau khi lĩnh lương, lĩnh thưởng cuối năm họ đi mua sắm ào ào…”.

Rồi bà chỉ về những ngôi nhà mới xây đầu con dốc nói thêm: “Làng công nhân cao su đấy. Các anh thấy có khang trang không? Nhiều gia đình đã hoạch định năm nay phải lên nhà lầu cho bằng anh, bằng em. Đà này mấy năm nữa nơi này sẽ chẳng kém gì thị xã Đồng Xoài…”. Nghe bà chủ quán nói, tôi cảm thấy lâng lâng, quên đi mệt nhọc của quãng đường cả trăm cây số mới qua.

Vào trụ sở Công ty Cao su Đồng Phú, rất may chúng tôi gặp được giám đốc Nguyễn Xuân Lan mới cùng một số cán bộ phòng ban đi xuống các nông trường theo dõi chất lượng vườn cây sau mùa cạo mới về. Đón chúng tôi, ông giám đốc dáng người tầm thước, đôn hậu đón khách: “Qua mùa nhựa mới rồi, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm, chăm sóc vườn cây có tốt thì năm sau cây mới cho sản lượng mủ cao. Công ty tôi đang phấn đấu, tất cả các vườn cây đều phải cho năng suất từ 1,5 tấn/ha năm trở lên. Muốn làm được điều đó, người công nhân phải yêu cây như yêu mình”.

Công ty Cao su Đồng Phú sinh sau, đẻ muộn. Mới được thành lập từ năm 1981 trên cơ sở của hai Nông trường Thuận Lợi và Nông trường 13 từ Công ty Cao su Phú Riềng tách ra. Ngày ấy diện tích vườn cây của công ty chỉ vài ngàn hécta, cùng với đội ngũ cán bộ công nhân viên hơn 300 người và một số trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Trong suốt những năm từ 1981 đến nay, Công ty Cao su Đồng Phú từng bước ổn định để phát triển. Bắt đầu là tuyển cả ngàn lao động vào phát đồi, bạt núi để mở mang diện tích.

Với ngành cao su, thời kỳ xây dựng cơ bản là khó khăn, gian khổ nhất. Bởi chỉ có chi mà chưa có thu. Những năm tháng đầu mới thành lập, cơ chế quan liêu bao cấp trói buộc dòng nhựa cây cao su tuôn chảy không đúng sức mình. Đất nước đổi mới, nhen nhóm nền kinh tế thị trường, lãnh đạo đã rút ra những bài học sâu sắc từ những nôn nóng, chủ quan muốn ngày một, ngày hai biến vùng đồi núi thành vườn cây cho nhựa ngay, nên sớm đưa ra quyết sách phải đưa chất lượng xây dựng cơ bản lên hàng đầu, trồng đến đâu, cây phải sống khỏe mạnh đến đấy. Nhưng làm được việc này thì phải ổn định ngay đời sống cho người lao động, tạo dựng cho tình yêu cây cao su sinh nở trong trái tim họ. Không thể bắt người công nhân phải gắn bó yêu mến nông trường mà gia đình họ cứ bữa sáng lo bữa tối mãi…

Để công nhân có thu nhập khá, Đồng Phú đã giải tỏa khu chung cư lụp xụp, cấp đất, giúp đỡ họ xây dựng nhà riêng. Nhất là khi có chính sách khoán vườn cây cho từng hộ, đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sức người, sức đất, sức cây bật dậy tiềm năng. Sau 10 năm thành lập, từ vài ngàn hécta vườn cây ban đầu, đến năm 1991, Công ty Đồng Phú đã mở mang diện tích vườn cây lên 8.000ha, trong đó có 5.000ha đã cho thu hoạch. Số còn lại đã ở vào tuổi lên 3 lên 4, chỉ vài năm sau là sẵn sàng tuôn ra dòng nhựa trắng….

Giữa sắc xanh Đồng Phú, tôi liên tưởng đến kế hoạch 700.000ha cao su mà toàn ngành phấn đấu sẽ có. Màu xanh của nó đang lan tỏa không chỉ ở vùng đất đỏ bazan mà cả những vùng đất khác. Khi ngồi viết bài ký sự này, tôi nghe tiếng xạc xào lá vẫy, lá reo. Rừng cao su hát trong ký ức, trong hồn vía tôi…

Thanh Xuyên

Tin cùng chuyên mục