Rừng vẫn bị tàn phá

Nhiều cây gỗ đường kính từ 25 - 75cm bị triệt hạ trơ gốc như trâm trắng, dẻ, lòng mang, chò chai. Có cây thân to một người ôm không xuể bị đốn hạ không thương tiếc. Phần lớn số lượng gỗ bị cưa cắt đã được “lâm tặc” chở ra khỏi rừng.
Gỗ rừng bỏ lại được tập kết về chốt bảo vệ Nông lâm trường Tân Lập
Gỗ rừng bỏ lại được tập kết về chốt bảo vệ Nông lâm trường Tân Lập

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng từ giữa năm 2016 để tập trung khoanh nuôi, bảo vệ số diện tích rừng hiện có nhưng do buông lỏng quản lý nên lâm tặc vẫn lén lút chặt hạ gỗ trái phép khiến những cánh rừng tự nhiên thuộc khoảnh 7, Tiểu khu 363, Nông lâm trường Tân Lập - thuộc Công ty TNHH MTV Cao su (gọi tắt Công ty cao su Bình Phước) bỗng chốc bị xóa sổ. 

Tan hoang rừng 

Vượt qua con đường nhiều khúc cua, uốn lượn giữa những vườn cao su xanh ngút tầm mắt, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 363 do Công ty cao su Bình Phước quản lý. Để đến nơi rừng bị tàn phá phải leo qua các sườn đồi cao cùng nhiều con suối giữa rừng. Một khu vực rộng lớn đã bị tàn phá kiểu “da beo” lộ ra bên những vườn cao su đang thu hoạch. Tại khoảnh 7 có khoảng 2 sào rừng tự nhiên sót lại đã bị phá tan hoang, nhiều cây gỗ đường kính từ 25 - 75cm bị triệt hạ trơ gốc như trâm trắng, dẻ, lòng mang, chò chai. Có cây thân to một người ôm không xuể bị đốn hạ không thương tiếc. Phần lớn số lượng gỗ bị cưa cắt đã được “lâm tặc” chở ra khỏi rừng. Lực lượng chức năng cũng thu hồi cả chục thân cây lớn mà “lâm tặc” chưa kịp tẩu tán. Cả cánh rừng lởm chởm phần ngọn của cây gỗ bị đốn hạ nằm vương vãi, đè lên nhau bị dây leo và bụi rậm phủ kín.

 Theo anh T. (người dân địa phương), khu vực Tiểu khu 363 thuộc dự án cải tạo rừng nghèo kiệt còn sót lại sau lệnh đóng cửa rừng, thi thoảng dân địa phương cũng vào chặt gỗ để làm xà nhà, kèo cột. Do việc chặt phá không nhiều nên chỉ bị nhắc nhở, không xử phạt. Anh T. chua xót: “Tưởng cánh rừng sót lại với nhiều cây gỗ giá trị được bảo vệ nghiêm ngặt, nào ngờ “lâm tặc” lẻn vào cưa trộm với khối lượng lớn mà lực lượng bảo vệ rừng không hay biết. Lúc phát hiện thì đã muộn, rừng đã bị phá tan hoang, các đối tượng nghe động bỏ lại lượng gỗ chưa kịp vận chuyển trốn khỏi rừng”. 

Tiếp tục quan sát quanh khu vực rừng bị phá, chúng tôi phát hiện cách đó chừng 100m là một bãi đất trống đã bị biến dạng, hằn sâu nhiều vết xe máy cày, lớp mùn cưa phủ loang lổ và nhiều dăm gỗ còn nằm vương vãi trên mặt đất. Từ dấu vết để lại của “lâm tặc”, anh T. khẳng định đây là nơi tập kết và cưa cắt gỗ thành lóng trước khi đưa ra khỏi rừng. Các đối tượng đã lợi dụng lúc vắng người để phá rừng với khối lượng gỗ lớn. Thủ đoạn phá rừng rất gian manh, có tổ chức. Các đối tượng lên kế hoạch chu đáo, kỹ lưỡng. Sau khi đốn hạ, nhóm “lâm tặc” dùng dây cáp lớn cột vào thân gỗ rồi dùng máy cày kéo ra bãi tập kết, cưa cắt thành lóng để chở ra ngoài. “Từ bãi tập kết, gỗ sẽ di chuyển qua nhiều con đường, trong đó có thể đi qua 2 lối cửa mặt và lối sau mép chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa và Tân Lợi - đơn vị trực tiếp bảo vệ rừng”, anh T. khẳng định. 

Có bảo kê cho “lâm tặc”?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, vụ tàn phá nghiêm trọng khu rừng nói trên được phát hiện vào ngày 19-7-2018. Sau đó, cơ quan chức năng đã phối hợp tiến hành khám nghiệm hiện trường và xác minh đối với các hộ dân sống gần khu vực nhưng không tìm ra thủ phạm. Ông Bùi Xuân Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú, thừa nhận: “Sau khi phát hiện vụ phá rừng, tổ công tác phát hiện có 24 cây rừng đã bị chặt hạ, đối tượng vi phạm đã lấy khỏi hiện trường 13 cây, chỉ còn lại 22 lóng (khúc) gỗ tròn có khối lượng 3,2m3. Hạt kiểm lâm Đồng Phú đã chở toàn bộ 22 lóng gỗ còn lại về tạm giữ ở chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa - Tân Lợi để chờ xử lý”. 

Qua điều tra của phóng viên, những cây gỗ bị tàn phá nói trên đã được cơ quan chức năng xác định… “chủ sở hữu”. Tuy nhiên, tại thông báo số 83/BC - KL, Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú khẳng định “không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp” số gỗ bị chặt hạ và mặc dù có thông báo niêm yết truy tìm chủ sở hữu nhưng lúc này chưa ai xuất hiện (?). Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú cũng kiểm điểm tổ bảo vệ rừng liên xã Tân Lợi - Tân Hòa và đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ rừng là Nông lâm trường Tân Lập thuộc Công ty cao su Bình Phước. 

Sau khi một số cơ quan báo chí vào cuộc, ngày 8-10 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã ký công văn số 2436 - CV/TU về việc khẩn trương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng và vụ phá rừng tại Tiểu khu 363, đặc biệt giao giám đốc công an tỉnh chỉ đạo điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, các tổ chức và cá nhân liên quan... 

Tin cùng chuyên mục