Rước họa vì uống thuốc bừa bãi

Nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng toàn thân phù nề, nhiễm độc da, lở loét, bệnh nhi Đỗ Phủ P. (9 tháng tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) phải lọc thận, giải độc. Nguyên do được xác định là P. bị dị ứng thuốc. Đây là một trong nhiều trường hợp mà Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận điều trị thời gian qua xuất phát từ dị ứng thuốc. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Da liễu TPHCM, Chợ Rẫy TPHCM cũng thường xuyên gặp phải những trường hợp tương tự.
Rước họa vì uống thuốc bừa bãi

Nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng toàn thân phù nề, nhiễm độc da, lở loét, bệnh nhi Đỗ Phủ P. (9 tháng tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) phải lọc thận, giải độc. Nguyên do được xác định là P. bị dị ứng thuốc. Đây là một trong nhiều trường hợp mà Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận điều trị thời gian qua xuất phát từ dị ứng thuốc. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Da liễu TPHCM, Chợ Rẫy TPHCM cũng thường xuyên gặp phải những trường hợp tương tự.

Một toa thuốc trị đủ thứ bệnh

Do sinh ra nhẹ cân, non tháng nên P. thường xuyên bị bệnh lặt vặt, hết viêm phế quản đến nóng sốt. Mỗi lần như vậy, mẹ P. lại đưa con đến phòng mạch tư. Trong một lần đến khám bác sĩ gần đây, bé P. được bác sĩ kê toa cho uống một loại xirô trị hen. Tuy nhiên, khi sử dụng đến ngày thứ 5, P. xuất hiện các triệu chứng khó thở, nổi bóng nước ở da và lở loét, phù nề. Gia đình đưa P. cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ một phen chạy đua với tử thần để lọc thận, giải độc, giành lại mạng sống của P...

Nguy cơ dị ứng thuốc rất cao nếu người bệnh tự ý dùng thuốc bừa bãi. Ảnh: Tg. LÂM
Nguy cơ dị ứng thuốc rất cao nếu người bệnh tự ý dùng thuốc bừa bãi. Ảnh: Tg. LÂM

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến Trưởng khoa Sốt xuất huyết, bệnh nhi P. bị hội chứng Steven Johnson do dị ứng thuốc. Đây là biến chứng thuộc nhóm rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Theo bác sĩ Tiến, những trường hợp như bệnh nhi P. là khá phổ biến tại Bệnh viện Nhi đồng 1, với hàng chục ca được cứu sống mỗi năm. Trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch, di chứng thần kinh và làm trẻ chậm phát triển.

Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn cũng rước họa do sử dụng thuốc bừa bãi. Bác sĩ Nguyễn Thị Đào, khoa Da liễu Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đã gặp không ít trường hợp người lớn bị dị ứng thuốc khá nghiêm trọng.

Theo bác sĩ, phần lớn trong họ là tự mua thuốc về uống mà không hề quan tâm đến toa của bác sĩ, mặc dù có những loại thuốc rất độc hại phải uống đúng toa. Thậm chí có người dùng một toa thuốc để trị đủ thứ bệnh. “Đi khám lần đầu bác sĩ kê toa cho, rồi những lần sau cứ có bệnh là đem toa đó ra nhà thuốc mua mà chẳng biết mình bị bệnh gì, bác sĩ Đào nói. Nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị dị ứng thuốc, mỹ phẩm. Đáng nói là ngay cả khi người bệnh uống thuốc theo toa bác sĩ kê cũng có nhiều trường hợp bị dị ứng rất nặng.

Kết quả phân tích 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc được điều trị nội trú tại Bệnh viện Da liễu TPHCM mới đây để tìm nguyên nhân gây dị ứng thuốc, cho thấy: 65,8% do tự mua thuốc uống; 34,2% uống thuốc theo toa của bác sĩ. Phản ứng thuốc hay gặp nhất là nổi hồng ban đa dạng (44,5%); tỷ lệ bệnh nhân nữ bị phản ứng thuốc là 58,7%, trong khi nam giới là 41,4%. Nguy hiểm hơn nữa là có đến 72% bệnh nhân không nhớ tên và loại thuốc đã sử dụng.

Mua thuốc qua triệu chứng

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân mấu chốt của tình trạng dị ứng thuốc là người bệnh vẫn có thói quen mua thuốc qua triệu chứng mà không cần đi khám để có chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh không chỉ không hết bệnh mà gặp phải tác dụng phụ của thuốc, thuốc tương tác, tương kỵ dẫn đến gây dị ứng. Mặt khác, những người có cơ địa dị ứng, đã hoặc đang mắc các bệnh dị ứng cũng dễ dị ứng thuốc nếu dùng thuốc không đúng.

Còn theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc do sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng từ 1/10.000 đến 1/100.000 thì ở thuốc giả lên đến 1/10.

Tại cuộc hội thảo về hiểm họa từ tác dụng phụ của thuốc tổ chức mới đây ở TPHCM, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM, cho biết có đến 19% bệnh nhân nằm viện gặp ít nhất là một tác dụng phụ có hại của thuốc. Tuy nhiên, 70% phản ứng gây hại của thuốc có thể phòng ngừa.

Ông Dũng dẫn chứng từ lúc đưa ra thị trường năm 1964 đến nay, hoạt chất Trimetazidine đã làm 161 người mắc bệnh Parkinson nhưng bệnh hết hoàn toàn khi ngưng thuốc. Ở nước ta, thống kê giai đoạn 2003-2008 cho thấy trung bình mỗi năm, chương trình theo dõi các nguy cơ xuất hiện không tránh khỏi từ phản ứng thuốc ghi nhận từ 860-940 trường hợp dị ứng thuốc.

Không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, dị ứng thuốc đang là gánh nặng chi phí cho người bệnh. Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên khám sức khỏe, bác sĩ chẩn đoán và kê toa trước khi mua thuốc. Đối với những loại thuốc không kê toa, người bệnh cũng cần thận trọng không dùng thuốc mất nhãn mác, thuốc đã chuyển màu, quá hạn… “Không chỉ người bệnh nên từ bỏ thói quen tự ý dùng thuốc mà chính các cơ quan quản lý và giám sát dược phẩm, các bác sĩ điều trị cũng cần theo dõi những loại thuốc xuất hiện phản ứng ngoài ý muốn để khuyến cáo”, PGS Trương Văn Tuấn kiến nghị.

Kết quả phân tích 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TPHCM cho thấy có đến 65,8% trường hợp do tự ý mua thuốc uống. Các loại thuốc gây phản ứng nhiều nhất gồm: kháng sinh (24,3%); đông y (21,5%); an thần (14,9%); thuốc trị sốt rét, tẩy giun, kháng sinh bôi ngoài da (18%); Sulfamid (13,1%)...


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục