Rút kinh nghiệm về đăng ký vốn không chính xác, phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần ​

Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) không sát khả năng thực hiện, đăng ký nhu cầu vốn không chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch 3 lần; hủy kế hoạch vốn ngoài nước 14.598 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Theo đó, những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bao gồm: Chính phủ cần chuẩn bị báo cáo quyết toán NSNN bảo đảm đúng thời gian quy định. Báo cáo quyết toán (cũng như dự toán) vẫn thiếu một số chỉ tiêu chi tiết liên quan đến đầu tư các ngành, lĩnh vực. Số liệu quyết toán về chỉ tiêu “thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN)” bao gồm cả số thu từ tiền thuê đất, thu mặt nước của doanh nghiệp có vốn ĐTNN, dẫn đến đánh giá thực hiện khoản thu này trong quyết toán chưa phù hợp với dự toán giao...

Cơ bản nhất trí với các đánh giá về những khó khăn và kết quả đạt được nêu trong báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ, nhưng cơ quan thẩm tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục.

Đó là, việc lập dự toán thu NSNN và kế hoạch vốn đầu tư phát triển chưa sát thực tế, nhất là dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập 5 năm không sát với khả năng thực hiện, vượt nhiều so với dự toán, dự toán thu năm sau thấp hơn so với thực hiện thu năm trước; một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu. Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN không sát khả năng thực hiện, đăng ký nhu cầu vốn không chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch 3 lần; hủy kế hoạch vốn ngoài nước 14.598 tỷ đồng…

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc chấp hành dự toán NSNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm như: giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm; phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn nhiều lần trong năm, bổ sung điều chỉnh vốn không đúng thời gian quy định; phân bổ kế hoạch vốn không đúng quy định, phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không xác định danh mục dự án cụ thể; không có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, không đúng thứ tự ưu tiên theo quy định; chưa tuân thủ thứ tự ưu tiên trong bố trí vốn dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương; phân bổ vốn chi tiết vượt mức kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Công tác quyết toán NSNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như chậm gửi báo cáo quyết toán năm 2020; một số địa phương còn quyết toán một số khoản chi chưa đúng quy định, phải xử lý sang năm sau. Một số tồn tại, sai sót kéo dài từ nhiều năm trước nhưng chỉ khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán mới được kiến nghị xử lý…

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ các tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành, quyết toán NSNN nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 và kiểm toán NSNN năm 2020 tại các bộ, ngành, địa phương của Kiểm toán Nhà nước; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm không thực hiện đúng các quy định pháp luật về lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong lập, chấp hành, quyết toán NSNN theo đúng các nghị quyết của Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục