Sắc xuân

Nguyên An

Tìm anh bạn dịp tết, chị vợ anh bảo: Suốt mấy ngày tết anh cứ quẩn quanh ở đường hoa Nguyễn Huệ. Chụp hình là câu trả lời của anh khi được hỏi về việc làm gì ở phố đi bộ. Chụp cái gì? Anh chẳng phải cà lăm mà nói: “Cái đẹp, cái đẹp và cái đẹp”. Ý như chẳng ngôn từ nào diễn tả hết cái đẹp.

Nhìn khối lượng ảnh đồ sộ của anh trong mấy ngày tết, mới thấy thú săn ảnh đã hấp dẫn anh như thế nào. Đầy đủ nam, phụ, lão, ấu trong vài ngàn tấm hình với đủ góc hình độc đáo. Đủ loại trang phục được khách du xuân vận vào người được ghi nhận lại, đủ để làm một tài liệu quý, một tập hồ sơ dày, đầy đặn, một nghiên cứu tầm “tiến sĩ” về cách ăn mặc của người thành phố trong dịp tết.

Giữa muôn ngàn tấm hình độc đáo, đa dạng ấy, dễ nhìn thấy một tỷ lệ áp đảo của chiếc áo dài trong trang phục du xuân của người đến ngắm đường hoa. Phụ nữ, trẻ con mặc áo dài là phổ biến. Có gia đình ông bố vẫn mặc áo sơ mi đóng thùng, trong khi đó vợ và hai con, cả trai lẫn gái đều mặc áo dài.

Có thể ngắm những tà áo dài trong bộ ảnh không biết mệt. Kia là các cụ bà du xuân cùng con cháu trong áo dài cổ kính, nọ là vài cô thiếu nữ mặc chung kiểu áo dài cách điệu, cao xập xòe gối cùng với chiếc váy. Kiểu mặc này có người lên án là kiểu thời trang “cà phê bỏ mắm tôm vào”. Cũng có người bênh vực kiểu mặc này với lập luận phụ nữ đời xa xưa mặc váy là phổ biến thì chiếc áo dài mặc với váy chẳng là lạ. Tranh luận là chuyện của muôn đời, nhưng miễn người mặc thấy vừa ý, người xem thấy đẹp, không hở hang, dung tục…  là được.

Phía sau những tấm ảnh ngày xuân ấy, có thể thấy một gia đình yêu thương đầm ấm, khi cả nhà cùng du xuân, cùng tíu tít chụp ảnh. Chồng chụp cho vợ, bố chụp cho con, con chụp bố mẹ và cả nhà… nhờ người khác chụp giùm. Phía sau những tấm ảnh đa sắc màu, đủ kiểu dáng ấy là cả một nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc được ông bố, bà mẹ truyền lại cho con một cách tinh tế, nhẹ nhàng.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục