Sách cho ngày 20-10: Sức mạnh của “một nửa thế giới”

Có một sự tình cờ, Ngày phụ nữ Việt Nam (20-10) năm nay các đơn vị xuất bản đồng loạt giới thiệu nhiều cuốn sách viết về phụ nữ. Có thể tác giả là phụ nữ hoặc cũng có thể không phải nhưng có một điểm chung, tất cả đều nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống. 
Chùm sách về phụ nữ nhân ngày 20-10
Chùm sách về phụ nữ nhân ngày 20-10

Những người làm đẹp cuộc đời

Năm Sa Đéc là nghệ danh của bà Nguyễn Kim Chung (1907-1988), ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật biểu diễn Nam Bộ. Ngoài kỹ năng đa dạng, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, như: hát bội, cải lương, kịch nói, phim ảnh... bà còn là vợ của cây bút sưu khảo nổi tiếng và tay chơi đồ cổ ngoại hạng: Vương Hồng Sển (1904- 1996). Cuộc đời bà là sự đan xen giữa ánh hào quang rực rỡ của sân khấu và bóng tối u ám của cuộc sống, nhất là cuộc sống gia đình bởi vướng phải cái nhìn xét nét một thời về người phụ nữ trong cái nghề bị ví là “xướng ca vô loài”. Nhân dịp 20-10 năm nay, nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan, người nhiều năm sưu tầm các tài liệu về cô Năm Sa Đéc đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc và Nghệ thuật sân khấu Nam Bộ (NXB Tổng hợp TPHCM). 

Cuốn sách ghi chép trọn vẹn cuộc đời nghệ thuật của Cô Năm Sa Đéc từ hát bội đến cải lương, sang thoại kịch, rồi điện ảnh. Viết về cuộc đời của nữ nghệ sĩ tiên phong Năm Sa Đéc, không thể thiếu phần lai lịch “cái nôi” của cải lương Nam bộ, vì tỉnh Sa Đéc ngày xưa chính là “cái nôi” của cải lương. Gánh hát Thầy Thận ở Sa Đéc rồi đến gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho đều xuất phát từ cái nôi này. Nhưng điều đáng nói nhất là qua tác phẩm, người đọc có thể phần nào hình dung những nỗ lực của một người phụ nữ trên con đường nghệ thuật cùng cả những trả giá của họ trong một xã hội còn nặng cái nhìn phiến diện khi đó. Nếu không có những con người như cô Năm Sa Đéc, khó mà hình dung nghệ thuật cải lương sẽ có thể có được một hình ảnh như ngày hôm nay.

Một chữ Tâm rưng rưng… Chân dung văn học 12 nữ nhà văn là cuốn sách do Hội nhà văn TPHCM phối hợp cùng NXB Tổng hợp TPHCM giới thiệu dịp 20-10. Chân dung 12 nữ nhà văn được chọn in trong quyển sách là những nhà văn có những đóng góp cho văn học và cho cuộc đời. Với khả năng văn chương khác nhau, mỗi nhà văn đã nỗ lực không ngưng nghỉ trong suốt hành trình sáng tạo của mình. Đó có thể là một Phương Đài với những bài thơ trong các tập Đất mẹ, Hiến lễ mùa thơ, Sợi mưa hồng, Thầm lặng yêu đời… Vượt qua tù đày tra tấn, vượt qua biết bao nỗi nhọc nhằn, thơ Phương Đài vẫn là thơ của một tâm hồn đằm thắm, dịu dàng, từ tốn mà thiết tha. Hay là nhà thơ Lê Giang có đầu sách mới ở tuổi 88. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Lê Giang là tác giả hơn 20 đầu sách với nhiều thể loại, thơ, bút ký, điền dã, biên soạn, kịch bản phim tài liệu. “Một chữ Tâm rưng rưng…”, là một chữ Tâm cho văn chương và cho cuộc đời.

Những chuyến xe đàn bà

Không chỉ mạnh mẽ trong sự nghiệp, dù là trong cuộc sống bình thường nhất, mỗi người phụ nữ cũng có những nét riêng của mình. Tập tản văn Những chuyến xe đàn bà (NXB Trẻ) của nhà báo, nhiếp ảnh gia Dona Đỗ Ngọc là cuốn sách dành tặng những người phụ nữ như vậy. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh với nhiều giải thưởng danh giá, với cuốn tản văn của mình, Đỗ Ngọc lại một lần nữa chụp lại cuộc sống của người phụ nữ, không phải bằng ống kính mà bằng những con chữ. Như sự nhận xét của tác giả, với cuốn sách này, những người phụ nữ có thể thấy cuộc sống của mình ở phía trước. Những người lớn tuổi nhìn thấy quãng đời đã qua của mình. Những người đàn bà thấy chính mình ở trong đó. Mỗi người đều có thể tìm thấy bóng dáng của bản thân trong đó mà không nhất thiết phải từng trải nghiệm, kinh qua. Tuy nhiên, như nhận xét của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ thì cuốn sách do phụ nữ viết về phụ nữ nhưng lại dành cho đàn ông đọc, để họ hiểu và thương yêu, trân quý hơn người đàn bà ở bên cạnh mình, vì thế sách còn để dành cho những ai đã, đang và sẽ yêu phụ nữ.

Còn với Ngắn và rất ngắn (NXB Văn hóa Văn nghệ) của hai nữ tác giả Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu lại viết về một câu chuyện muôn thuở của phụ nữ, cũng là muôn thuở của cuộc đời: những chuyện tình. Có câu nói, phụ nữ làm từ nước, người đọc sẽ trải qua nhiều cung bậc tâm trạng của những dòng nước, lúc dịu dàng, lúc dữ dội, tất cả chất chứa trong ngọn núi ngôn từ được tác giả phác họa nên xung quanh những câu chuyện về người phụ nữ. Có thể kể đến những truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thái như Bồ côi bồ cút, Rượt đuổi, Mùi hành lang, Đêm bé con, Lệ già, Đào rừng phai... Hoặc có thể là nội dung rất sâu sắc nhưng giấu bên trong những câu truyện rất ngắn của Nguyễn Thị Hậu như Tình mới, Tịnh khẩu, Nước mắt kim cương, Chết, Trong lồng, Tình ảo… 

Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc (NXB Văn hóa Văn nghệ) của tác giả La Di tựa như người phụ nữ nép mình sau những cơn mưa giông cuộc đời. Trái tim người phụ nữ muôn phần sâu thẳm, dù đang bị thương vẫn phải biết tin rằng chính bạn là người sẽ tự chữa lành được vết thương cho mình. Xin mượn một trích dẫn trong truyện như sau: “Bạn chờ ai, chờ điều gì giúp bạn vui, hoa nở rồi hoa tàn, trăng tròn rồi lại khuyết, người đến rồi lại đi, chỉ còn bạn ở lại và chăm sóc cho khu vườn của mình” để yêu mình hơn nhé.

Tin cùng chuyên mục